Quang cảnh buổi họp báo - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
|
Với chủ đề “Dòng sông hoà bình và phát triển bền vững của chúng ta”, Hội nghị Mekong - Lan Thương lần thứ 2 diễn ra ngày 10/01, tại Phnompenh, Campuchia, đã rà soát tình hình triển khai hợp tác kể từ Hội nghị MCL lần thứ nhất (tháng 3/2016) và trao đổi về phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Các nhà Lãnh đạo tái khẳng định mục tiêu xây dựng một khu vực Mekong – Lan Thương hoà bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng; nhất trí hợp tác Mekong - Lan Thương cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Cùng với đó, hợp tác Mekong - Lan Thương cũng cần phối hợp hài hoà với các chương trình, kế hoạch phát triển như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), Chương trình nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và cũng như các sáng kiến liên kết khu vực.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố Phnompenh và Kế hoạch hành động 5 năm MLC giai đoạn 2018-2022 với các định hướng lớn và các biện pháp triển khai hợp tác trên ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, xã hội, văn hoá và giao lưu nhân dân.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Campuchia chuyển giao vai trò đồng chủ trì hợp tác Mekong-Lan Thương cho Thủ tướng CHDCND Lào.
Phát biểu tại họp báo sau Hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết: “Kết thúc Hội nghị, chúng ta đã thành lập được Ban thư ký điều phối của từng quốc gia và một số ủy ban khác để hỗ trợ cho các quốc gia thành viên và một số đơn vị khác như Trung tâm hợp tác nguồn nước, Trung tâm bảo vệ môi trường Mekong-Lan Thương và Trung tâm nghiên cứu Mekong-Lan Thương. Chúng tôi rất vui mừng và hãnh diện khi thực hiện tốt các cam kết Mekong-Lan Thương lần thứ nhất vừa qua”.
Cũng tại họp báo, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nguyên tắc cơ bản của hợp tác Mekong - Lan Thương là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương là một cơ chế hợp tác hiệu quả, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng mạnh mẽ hiện nay.