Ngày 5/4, đánh giá về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Giáo sư Thomas Engelbert, Đại học Tổng hợp Hamburg, cho rằng: Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam được cả thế giới khen ngợi, kinh tế Việt Nam đã hạn chế được đáng kể những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt. Đó là một thành tựu đáng trân trọng của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam.
Giáo sư Thomas Engelbert – Đại học Tổng hợp Hamburg. Ảnh: TTXVN |
Nhận định về lãnh đạo chính phủ mới, chuyên gia kinh tế Daniel Müller từ Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV), cho rằng việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chính trị mới ở Việt Nam trước hết cho thấy xu hướng xuất phát từ tình hình thực tế, cởi mở hơn và hiện đại hóa hơn về mặt kinh tế.
Các chức vụ Thủ tướng, Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội đều là những người có quan điểm rất thực tế, đều tích cực hành động hướng tới các mục tiêu và kết quả cụ thể. Với chính phủ mới, ông Müller cho rằng Việt Nam sẽ kiên định với đường lối chính trị được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Về mặt kinh tế, theo ông Müller, quá trình công nghiệp hóa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp với gia tăng năng suất lao động; chuyển đổi số sẽ gia tăng nhanh chóng.
Trong khuôn khổ "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", cả Đức và EU đều mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN và các quốc gia châu Á khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có cơ hội tốt để thể hiện mình là một đối tác hấp dẫn và là cây cầu kết nối khu vực ASEAN với thế giới.