Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo: đảm bảo tự do tín ngưỡng, phù hợp xu thế hội nhập

Chia sẻ
(VOV5) -  Người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam.
(VOV5) -  Người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam.


Góp ý vào dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, chiều 24/10, nhiều đại biểu đánh giá dự thảo luật có nhiều quy định mới, thông thoáng như quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo với người bị tạm giam, tạm giữ, phạt tù, chờ thi hành án tử hình được nhà nước đảm bảo.

Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo: đảm bảo tự do tín ngưỡng, phù hợp xu thế hội nhập - ảnh 1
Đại biểu quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: baophapluat


Nhiều hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trước đây được quy định rất chặt chẽ, phải đăng ký cấp phép, đề nghị chờ cấp phép thì nay chỉ cần thông báo. Ông Thích Thanh Quyết, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, nêu ý kiến: “Việc xây dựng và ban hành luật là cần thiết, góp phần thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, góp phần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho mọi người, đặc biệt cho những người có niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Nhiều quy định về cơ chế xin cho trước đây đã được thay thế bằng hình thức đăng ký hoặc thông báo. Luật có 1 chương riêng quy định về quyền tự do tín ngưỡng của mọi người và xác định rõ trách nhiệm của nhà nước  đối với các hoạt đông tín ngưỡng tôn giáo, góp phần cho các tổ chức tôn giáo hội nhập quốc tế dễ dàng hơn. Đây là 1 quy định hết sức nhân văn. Luật cũng đã coi trọng tính pháp lý của các sinh hoạt tôn giáo phổ biến, đặc biệt việc công nhận các tổ chức tôn giáo đã dễ dàng thuận lợi thông thoáng hơn”.


Lần đầu tiên quyền tự do tín ngưỡng của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được quy định đầy đủ hơn trong dự thảo luật khi đã dành một mục với 7 điều luật quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và thiết kế một điều về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài trong Chương Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm, suy tôn, suy cử làm chức sắc. Góp ý về nội dung này, ông Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng: “Đối với nước ngoài, trong hồ sơ đề nghị cần viết rõ nội dung sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài không vi phạm pháp luật và không vi phạm điều 5 của luật tín ngưỡng tôn giáo. Thứ 2 văn bản đồng ý của tổ chức, cá nhân cho người nước ngoài mượn hoặc thuê để hoạt động tôn giáo tập trung phải là địa điểm hợp pháp trong sinh hoạt tôn giáo. Ngoài ra hiện nay 1 số người nước ngoài theo 1 số đạo mà Việt Nam không có, khi đến Việt Nam du lịch thì dự luật nên quy định nơi sinh hoạt tôn giáo cho họ”.


Về điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo, dự thảo quy định chỉ cần 5 năm. Tuy nhiên theo nhiều đại biểu cần quy định là 10 năm để các tôn giáo có thời gian hoạt động ổn định và chứng minh sự phù hợp với nhu cầu thực sự của quần chúng nhân dân.


Dự kiến, dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Feedback