Đối thoại Biển lần thứ 11: “Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển”

Chia sẻ
(VOV5) - Hợp tác quốc tế là "chìa khóa" để các nước điều phối, phối hợp hành động, qua đó quản lý các hoạt động phức hợp hiệu quả hơn.

Đối thoại Biển lần thứ 11 với chủ đề “Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức hôm qua, tại thành phố cảng Hải Phòng. Hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, trong đó có các diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 14 quốc gia.

Tại Đối thoại, các diễn giả thảo luận về thực tiễn hoạt động phức hợp và hoạt động vùng xám ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng. Các chuyên gia nhận định hiện nay các hoạt động vùng xám, phức hợp đặt ra những thách thức pháp lý, tác động tới trật tự quốc tế hiện hành. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ càng khiến các thách thức mang tính phức hợp và vùng xám trở nên rõ nét hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động vùng xám không chỉ diễn ra trên thực địa mà còn diễn ra trên nhiều “mặt trận” khác như kinh tế, thông tin - tuyên truyền.
Đối thoại Biển lần thứ 11: “Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển” - ảnh 1Các đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 11. Ảnh: dangcongsan.v

Các đại biểu đã đưa ra những sáng kiến, đề xuất cho các quốc gia trong và ngoài khu vực nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động phức hợp, đặc biệt để ứng phó hiệu quả với các hoạt động vùng xám. Theo đó, các nước cần tăng cường phối hợp hành động giữa các cơ quan chức năng liên quan; nâng cao năng lực nhận biết các thách thức vùng xám, phân biệt các hoạt động phức hợp có mục tiêu hợp pháp và các hoạt động vùng xám với mục tiêu và dụng ý không hợp pháp.

Các quốc gia và tổ chức quốc tế cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động phức hợp. Hợp tác quốc tế là "chìa khóa" để các nước điều phối, phối hợp hành động, qua đó quản lý các hoạt động phức hợp hiệu quả hơn.

Feedback