Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức để cải cách chính sách tiền lương

Chia sẻ
(VOV5) - Tới đây, Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gọn hơn để cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Chiều 4/11, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ. Nội dung chất vấn gồm các vấn đề liên quan đến sắp xếp bộ máy cán bộ công chức, tinh giản biên chế cán bộ công chức, viên chức; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức…

Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức để cải cách chính sách tiền lương - ảnh 1Các đại biểu tham dự phiên chất vấn chiều 4/11. Ảnh: quochoi.vn

Đánh giá về chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng nhìn tổng thể việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức chưa sát với thực tiễn và chưa căn cứ vào kết quả sản phẩm công việc đầu ra.

Để việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức tốt hơn, trước hết phải tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật và phải có tiêu chí đánh giá thông qua các sản phẩm cụ thể. 

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Chúng ta phải hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực. Từ đó làm cơ sở để chúng ta đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương cũng phải căn cứ vào quy định chung của Đảng, của Chính phủ để cụ thể hóa ở cơ quan, đơn vị mình để cho việc sắp xếp, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức công khai, công bằng dân chủ, chính xác. Đó là cơ sở, động lực để cho cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức để cải cách chính sách tiền lương - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn 

Về tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết ngày 7/4/2015. Tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.

Tính trong 3 năm 2019, 2020, 2021 việc tinh giản biên chế đã tiết kiệm được ngân sách Nhà nước 25.600 tỷ đồng (gần 1,03 tỷ USD), tạo ra một nguồn lực lớn để cải cách chính sách tiền lương, tăng lương cho người lao động. Tới đây, Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gọn hơn để cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương ngân sách nhà nước.

Feedback