Trả lời phóng vấn sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Thụy Điển, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định: Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới ba nước cho thấy quan hệ Việt Nam với các nước Nga, Thụy Điển và Na Uy đang phát triển ngày càng sâu rộng và đa dạng trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh TBTC |
Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Nga thống nhất các định hướng chiến lược và các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt trong thời gian tới; nhất trí cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, phấn đấu đưa kim ngạch song phương Việt Nam - Nga từ khoảng gần 5 tỷ USD hiện nay lên 10 tỷ USD vào năm 2020 và những năm sau đó.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Na Uy và Thụy Điển lần này cũng có nhiều điểm nhấn hợp tác quan trọng. Cả hai nước đều có những cam kết mạnh đối với việc thúc đẩy các hiệp định quan trọng với Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg. -Ảnh TBTC |
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven ủng hộ việc thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và triển khai nhanh chóng Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU. Thủ tướng Na Uy nhất trí sẽ đẩy nhanh đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do Châu Âu - EFTA (gồm 4 nước Na Uy, Iceland, Thụy Sĩ và Liechtenstein).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven. |
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh: Lãnh đạo các nước đều mong muốn phối hợp với Việt Nam trên các diễn đàn đa phương được thắt chặt hơn trong bối cảnh Việt Nam đang ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các nước cũng muốn qua tiếng nói của Việt Nam để tăng cường quan hệ với khu vực và với ASEAN khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Lãnh đạo các nước khẳng định ủng hộ việc gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định, nhất trí về tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 tại Biển Đông và trong khu vực.