Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka

Chia sẻ
(VOV5) - Về hợp tác thương mại song phương, hai Chủ tịch Quốc hội cho rằng hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 1 tỉ USD. 

Trong các ngày từ 23 - 27/04, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka do ông Karu Jayasuriya, Chủ tịch Quốc hội, dẫn đầu, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân.

Sáng 24/04, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì lễ đón chính thức và tiến hành hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka. Tại hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội đều cho rằng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hai nước cần tăng cường giám sát và thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận mà hai nước đã ký; tăng cường trao đổi đoàn quốc phòng; sớm triển khai cơ chế đối thoại an ninh cấp Bộ trưởng Công an hai năm/lần.

Về hợp tác thương mại song phương, hai Chủ tịch Quốc hội cho rằng hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 1 tỉ USD. Cùng với đó, cần đẩy mạnh khai thác, nhất là đối với các lĩnh vực chủ chốt như dầu khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dệt may, cao su, da giày, năng lượng tái tạo, vận tải hàng không và hàng hải...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka - ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Sri Lanka có tiếng nói tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông; ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN, nhất là trong các nội dung có tính nguyên tắc như tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phi quân sự hóa tại Biển Đông.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka - ảnh 2

Về hợp tác nghị viện giữa hai nước thời gian tới, hai Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quốc hội hai nước duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện, kinh nghiệm lập pháp và giám sát; phát huy hơn nữa vai trò của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội nói riêng và hai nước nói chung; tăng cường vai trò giám sát và thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận mà hai nước đã ký. Hai bên đẩy mạnh phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn Nghị viện quốc tế, nhất là tại Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU).

Feedback