Ngày 25/7, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: VOV |
Tại phiên thảo luận buổi sáng, ghi nhận kết quả tích cực của phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, song nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh tác hại của dịch Covid - 19 đối với nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: quochoi.vn |
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, đánh giá cao việc Chính phủ đã sớm chỉ đạo các địa phương này có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”. Bên cạnh đó là sự đồng lòng về tinh thần của mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp để chiến thắng đại dịch. Khẳng định những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang tác động ngày càng nhiều tới từng người lao động, từng doanh nghiệp, đại biểu Thuỷ kiến nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp cho việc rà soát chính xác, nhanh chóng các đối tượng thụ hưởng.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nhất trí với các nội dung được Chính phủ trình Quốc hội liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19: "Những nội dung mà Chính phủ trình là khả thi, phù hợp, cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có những hoạt động kiểm soát chặt chẽ trong quá trình triển khai các chính sách phòng chống dịch. Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy giải ngân gói 26 nghìn tỷ để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật…"
Nhất trí về các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho 6 tháng cuối năm mà Chính phủ đề ra, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn Quảng Bình, nhấn mạnh việc ứng phó với dịch bệnh không thể trong thời gian ngắn, cần phải có các giải pháp lâu dài và phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh này, hướng tới trạng thái bình thường mới.
Phát biểu cuối phiên thảo luận sáng 25/7, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Riêng đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19,Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai gói hỗ trợ. Qua 15 ngày triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho thấy việc ban hành Nghị quyết 68 là kịp thời, đúng và trúng đối tượng. 63/63 địa phương đã ban hành kế hoach và đang triển khai . Đến ngày 24/7, nhóm chính sách về bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, với kinh phí 4.300 tỷ đồng cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng; đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho những người điều trị F0 và cách ly F1. Hơn 52 nghìn người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động,nghỉ không hưởng lương tại gần 6 nghìn doanh nghiệp đã được hưởng chính sách”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá cao sáng kiến của Quốc hội khi rút ngắn thời gian kỳ họp thứ nhất, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc đưa nội dung phòng chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất cũng vô cùng quan trọng. Đại biểu khẳng định dù còn nhiều khó khăn nhưng TP HCM đã và đang nỗ lực hết sức mình để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh để đưa cuộc sống trở lại bình thường như người dân mong đợi.