Cầu truyền hình Bản hùng ca mùa Xuân “Chân trần - Chí thép”

Chia sẻ
(VOV5) - Xuyên suốt chương trình tại các điểm cầu là các bài hát, tiết mục ca ngợi tinh thần chiến đấu, ý chí, sức mạnh của quân và dân trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tối ngày 21/1, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình cầu truyền hình “Bản hùng ca mùa Xuân: Chân trần - Chí thép” tại 3 điểm cầu là Hội trường Thống Nhất, Khu Truyền thống Cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh và xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Đây là chương trình kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018).

Cầu truyền hình Bản hùng ca mùa Xuân “Chân trần - Chí thép” - ảnh 1 Quang cảnh chương trình  tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: Hà Khánh/VOV

Xuyên suốt chương trình tại các điểm cầu là các bài hát, tiết mục ca ngợi tinh thần chiến đấu, ý chí, sức mạnh của quân và dân trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu bày tỏ xúc động: “Tôi thấy hôm nay rất đặc biệt. Chiến dịch Mậu Thân làm chấn động. Chính lúc diễn ra chiến dịch là tôi đang ở chiến trường Lào. Nhờ chiến dịch này mà mình hát truyền lửa hơn. Từ đó tiếng hát mình khởi dậy một sức sống mới. Vì thế hôm nay lại được hát ở đây thì vui sướng quá”.

Cầu truyền hình Bản hùng ca mùa Xuân “Chân trần - Chí thép” - ảnh 2

Tham dự chương trình, nhiều tướng lĩnh, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là các lực lượng trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã không khỏi xúc động khi nhớ lại những ngày tháng sống, chiến đấu hy sinh gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang. Ông Phạm Văn Chí, người tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, cho biết: “Cảm xúc rất là tự hào vì tôi tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 đánh 4 trận ở Sài Gòn. Ngày này đã 50 năm rồi nên hôm nay cũng có niềm tự hào mà cũng rất xúc động là chiến tranh quá gian khổ.”

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Feedback