Cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nhằm kiềm chế hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Chia sẻ
(VOV5)- Báo chí, các chuyên gia và chính trị gia quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại trước những động thái gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông.
(VOV5)- Báo chí, các chuyên gia và chính trị gia quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại trước những động thái gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Hôm qua, trong một phát biểu về chính sách đối ngoại của Mỹ tại thủ đô Washington, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice kêu gọi xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nhằm kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc. Theo bà Rice, an ninh khu vực phải được đảm bảo dựa trên việc xác định và duy trì các quy tắc về chia sẻ không gian. Chỉ có như thế mới ngăn chặn được các hành vi gây căng thẳng, cũng như khả năng các nước lớn “uy hiếp” các nước nhỏ hơn và tạo cơ hội để giải quyết xung đột hòa bình.

Cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nhằm kiềm chế hành động của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 1
Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng đảo Gạc Ma (khu vực phía xa). Bên phải ảnh là đảo Cô Lin của Việt Nam (ảnh chụp ngày 23.4.2014). Ảnh: Đình Quân/laodong.com.vn

Cùng ngày, Nhật Bản và Australia ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế,  nhất trí phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực. 

Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Australia) Rory Medcalf cảnh báo âm mưu xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa, muốn tạo sự đã rồi để hợp lý hóa sự hiện diện trên các khu vực nước này nhằm cưỡng chiếm biển Đông.

Nghị quyết của Ủy ban Đối ngoại Hạ viên Nhật Bản đưa ra ngày 11/06 khẳng định việc Trung Quốc đơn phương thăm dò dầu mỏ tại vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa và thông báo khu vực cấm tàu bè đi vào đã khiến tranh chấp Việt - Trung kéo dài và làm tình hình tại Biển Đông trở nên căng thẳng. Nghị quyết khẳng định việc Trung Quốc đơn phương uy hiếp, ép buộc, sử dụng vũ lực để tranh đoạt lãnh thổ, lãnh hải là không thể chấp nhận được.

Trong Nghị quyết, Ủy ban Đối ngoại Hạ viên Nhật Bản cũng khẳng định không chỉ Nhật Bản mà cả cộng đồng quốc tế quan tâm tới hòa bình và ổn định ở Biển Đông; đồng thời cho rằng cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đề nghị Chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh liên kết với các nước Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, báo chí thế giới đưa tin về phản ứng của dư luận Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Mạng tin AP ngày 11/6 đăng bài trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế ngày 10/6 của Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Hoài Trung, trong đó nêu rõ yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương-981 và hơn 100 tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc tiến hành đàm phán về các bất đồng liên quan đến Biển Đông.

Chuyên trang bình luận RSIS Commentaries của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng S.Rajaratnam (RSIS), thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cũng đăng nguyên văn bài viết "The Paracels: Forty years on" (Hoàng Sa: 40 năm sau) của Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh,Phó trưởng Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Theo RSIS Commentaries, hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không chỉ gây ra cuộc xung đột về chủ quyền mà nghiêm trọng hơn, nó đã gây ra sự đối đầu với luật biển quốc tế. Hành động vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc không phải là cách hành xử của một cường quốc có trách nhiệm trên trường quốc tế./.

Feedback