Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo về kinh tế- xã hội do Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, năm 2023 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế- xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng.
Quang cảnh phiên họp sáng 29/5. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Các đại biểu đánh giá cao các giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn, như: tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có thêm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian tới.
Đề cao vai trò của kinh tế tư nhân, nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Thi, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, kiến nghị cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế: Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Nhấn mạnh tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp là vấn đề quan trọng, ông Hoàng Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, cho rằng: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết. Tôi đề nghị khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tiếp tục chia sẻ thông điệp mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đó là tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.