Ngày 09/09, ngày làm việc trực tuyến thứ 2 trong khuôn khổ Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), diễn ra 4 phiên họp của 4 Uỷ ban: chính trị, kinh tế, xã hội và Tổ chức. Các đại biểu dự các phiên họp này đề xuất nhiều giải pháp để ASEAN vượt qua khó khăn do dịch COVID - 19 gây ra.
Tại phiên họp của Ủy ban Chính trị, với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN”, các đại biểu đã nghe các báo cáo của Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA và báo cáo về cuộc gặp Lãnh đạo ASEAN-AIPA trong 3 năm qua. Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận về chủ đề "Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN".
Đầu cầu Hà Nội trong phiên họp của Uỷ ban Chính trị. -Ảnh Đầu tư chứng khoán |
Kết luận Phiên họp, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban chính trị của AIPA, khẳng định: "Các Nghị viện thành viên AIPA sẽ cùng cố gắng nỗ lực để thúc đẩy ngoại giao nghị viện và thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia; giữa cơ quan lập pháp và hành pháp trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và trật tự cấu trúc khu vực bảo đảm minh bạch dựa trên luật lệ, lấy ASEAN làm trung tâm. Đối với vấn đề Biển Đông, các Nghị viện thành viên đồng tình với việc tiếp tục bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông nhấn mạnh, cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982."
Phiên họp của Ủy ban kinh tế. - Ảnh: laodong.vn |
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp của Uỷ ban kinh tế AIPA, với chủ đề "Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid-19, đại biểu các nước cho rằng thời gian qua, thế giới và khu vực đã chứng kiến sức tàn phá rất lớn của dịch Covid-19 không chỉ làm nhiều người thiệt mạng mà còn khiến đời sống của hàng triệu người dân gặp khó khăn. Do đó cần phải có biện pháp vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn sau đại dịch.
Đại diện Brunei chia sẻ: "Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực không mệt mỏi của AIPA để ổn định nền kinh tế khu vưc trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Không nước nào vượt qua được đại dịch một mình. Chúng ta cần sự chủ động và tích cực. AIPA cần hợp tác cùng nhau để cùng các nước ASEAN ổn định nền kinh tế khu vực. Kế hoạch phục hồi kinh tế ASEAN cần thông qua các sáng kiến gồm nới lỏng hạn chế đi lại trong khu vực, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực để thúc đẩy trao đổi nội khối ASEAN. Trên tinh thần gắn kết của ASEAN, chúng ta cần có cách tiếp cận đa ngành, đa bên để giải quyết. Các nghị sỹ ASEAN có thể tham gia việc thông qua ngân sách, cũng như giám sát chặt chẽ quá trình hỗ trợ nhóm dân cư dễ bi ảnh hưởng…"
Tại phiên họp của Ủy ban Xã hội diễn ra chiều 9/9, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 gây ra đối với hệ thống y tế của các quốc gia, ảnh hưởng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Trong bối cảnh này, đại diện các quốc gia khẳng định, việc thúc đẩy mở rộng các phản ứng, cơ chế khẩn cấp, đảm bảo mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia. Từ đó, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vaccine, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, trang bị trang thiết bị y tế có chất lượng là một trong những ưu tiên.