Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức CHLB Đức

Chia sẻ

(VOV5) - Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa liên bang Đức Annalena Baerbock, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức CHLB Đức các ngày 26-27/09 để thúc đẩy quan hệ hai nước. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock, chào xã giao Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Chủ tịch Hội đồng liên bang Đức Bodo Ramelow, Thủ hiến bang Hessen Boris Rhein, Quốc Vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Michael Kellner.

Tại các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với các lãnh đạo Đức, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo... Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Chủ tịch Hội đồng liên bang Đức Bodo Ramelow cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng, dư địa để đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, thương mại cũng như trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh như khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nghề và lao động, hợp tác giữa các địa phương, nhất trí cùng phối hợp để tháo gỡ các khó khăn trong quan hệ thương mại song phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức CHLB Đức - ảnh 1Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chào xã giao Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: BNG

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA); mong muốn Quốc hội Đức sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) và Chính phủ Đức ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức CHLB Đức - ảnh 2Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock. Ảnh: VGP/BNG

Thảo luận về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhất trí hai nước tiếp tục phối hợp hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, trong đó có đẩy mạnh hợp tác ASEAN- Liên minh châu Âu. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ lập trường về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Feedback