(VOV5) - Trong chương trình hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII, sáng nay (1/4), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu về 3 nội dung chính là tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước; tình trạng xuất khẩu quặng lậu qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt tài nguyên, làm thất thu ngân sách nhà nước...; Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu và việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; việc thực hiện chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
|
Bộ trưởng Bộ y tế và Bộ trưởng Bộ Công thương (Ảnh: Báo Tiền Phong) |
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc thực hiện chuơng trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công thương đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên cở sở phù hợp với luật pháp Quốc tế. Đề án này đã được lấy ý kiến của các Bộ, Ngành và địa phương với 4 nhóm giải pháp cơ bản: “Đó là nhóm giải pháp về dịch vụ hỗ trợ thay đổi nhận thức và hành vi liên quan đến thị trường trong nước; nhóm giải pháp xây dựng chương trình thông tin tuyên truyền và đặc biệt là làm sao để có được niềm tự hào của người tiêu dùng đối với việc sử dụng hàng Việt Nam. Nhóm giải pháp thứ ba là phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững. Nhóm giải pháp thứ tư là thường xuyên công bố những hàng hóa mà Việt Nam sản xuất được để hướng dẫn và định hướng cho các tổ chức và cá nhân ở cả khu vực Nhà nước và người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn và ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đề án đã được xây dựng và trình với Chính phủ trong cuối năm 2013. Mục tiêu của Bộ Công thương là đến năm 2020 cố gắng để hoàn chỉnh các biện pháp trong đó có hệ thống thương mại trong nước.
Vào buổi chiều, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn về giải pháp mang tính đột phá để khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; thực trạng tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện, xã và việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; công tác quản lý nhà nước với y tế tư nhân, giá thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm./.