50 năm quan hệ Việt Nam - Canada: nhiều dư địa cho hợp tác song phương

Chia sẻ
(VOV5) -  Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngày mai (21/8), tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada (1973 -2023). Trả lời báo chí nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang nhận định: 50 năm qua, hai nước đã thúc đẩy quan hệ bền vững và đạt được nhiều thành tựu. Đến năm 2017, hai bên đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ lên đối tác toàn diện, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

50 năm quan hệ Việt Nam - Canada: nhiều dư địa cho hợp tác song phương - ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang đề cập các biện pháp nhằm thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Canada tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Trung Dũng/TTXVN

Trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hai bên thường xuyên duy trì việc trao đổi đoàn cấp cao. Việt Nam và Canada cũng duy trì cơ chế đối thoại chính trị thường niên ở cấp Thứ trưởng. Cùng với ngoại giao nhà nước, quan hệ hợp tác, trao đổi kênh Đảng và Quốc hội và giao lưu nhân dân cũng được đẩy mạnh.

Hợp tác thương mại, đầu tư là lĩnh vực được hai nước ưu tiên hàng đầu. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Canada là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ, tại khu vực châu Mỹ. Kim ngạch thương mại hai chiều luôn đạt mức tăng trưởng hai con số mỗi năm, đạt 7 tỷ USD trong năm ngoái (theo số liệu thống kê của Canada, con số này là 13 tỷ USD do tính cả lượng hàng hoá trung chuyển qua Mỹ).

Hợp tác quốc phòng an ninh cũng được phát triển với việc hai bên đã thiết lập Cơ chế Đối thoại Chiến lược Chính sách Quốc phòng thường niên và đang tích cực triển khai Kế hoạch Hợp tác Quốc phòng giai đoạn 2021-2023.

Nhận định về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Phạm Vinh Quang cho rằng: tiềm năng của hai bên vẫn còn rất nhiều. Về chính trị, ngoại giao, cả Việt Nam và Canada đều mong muốn xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển dựa trên việc tuân thủ nguyên tắc của luật pháp quốc tế.. Hai bên cũng muốn xây dựng trật tự, luật lệ và các quy định trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông.

Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Canada nhìn nhận thị trường Việt Nam như một cửa ngõ để họ có thể xâm nhập ASEAN cũng như thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, Việt Nam có thể tranh thủ thế mạnh của Canada về công nghệ, khoa học tiên tiến để hỗ trợ sự phát triển trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một lĩnh vực nữa là du lịch và giao lưu văn hóa cũng có nhiều tiềm năng hợp tác song phương.

Feedback