Xây dựng thương hiệu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Chia sẻ
(VOV5) - Uỷ ban Châu Âu (EC) vừa chính thức cấp chứng nhận bảo hộ tên gọi “Phú Quốc” cho nước mắm Phú Quốc của VN để sản phẩm này được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 28 nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU). Từ sự kiện này, nhóm Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam có bài luận giải về việc“Xây dựng thương hiệu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”.
(VOV5) - Uỷ ban Châu Âu (EC) vừa chính thức cấp chứng nhận bảo hộ tên gọi “Phú Quốc” cho nước mắm Phú Quốc của VN để sản phẩm này được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 28 nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU). Từ sự kiện này, nhóm Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam có bài luận giải về việc“Xây dựng thương hiệu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”.

 

Xây dựng thương hiệu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế - ảnh 1


Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của các nước Khu vực Đông Nam Á được EC chính thức bảo hộ. Tuy nhiên, cũng như nhiều mặt hàng khác đang có mặt ở thị trường Châu Âu cũng như trên thế giới, đây chỉ là thành công bước đầu. Để trụ vững ở thị trường tiềm năng này, các doanh nghiệp kinh doanh nước mắm Phú Quốc còn nhiều việc phải làm. Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam có hàng ngàn loại mặt hàng có khả năng đăng ký chỉ dẫn địa lý nhưng đến nay mới có 35 sản phẩm được đăng ký ở Việt Nam như nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), cà phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lăk), bưởi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), thanh long Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận), gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương)… Theo các chuyên gia kinh tế, việc đăng ký không quá khó bởi thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc… nhưng quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam phải giữ và quản lý được thương hiệu của mình trên thị trường. Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, cho rằng: Vấn đề quản trị thương hiệu có lẽ rất ít các doanh nghiệp, địa phương quan tâm đến. Chúng ta cứ tưởng là cứ có thương hiệu là xong. Vấn đề quản trị thương hiệu mới là vấn đề quan trọng nhất. Trong quản trị thương hiệu có những nội dung rất quan trọng là: củng cố đảm bảo giá trị sản phẩm, kiểm soát giá trị thương hiệu, điều chỉnh nhằm đảm bảo giá trị thương hiệu. Đây là 3 hoạt động không thể tách rời trong quản trị thương hiệu và nếu bỏ qua bước này thì thương hiệu không đến nơi đến chốn, khách không bao giờ trung thành với thương hiệu của chúng ta.


Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú trọng đến tiếp thị, bán hàng chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Theo ông Đặng Bá Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty Dầu thực vật Cái Lân, bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài vô cùng quan trọng vì doanh nghiệp muốn xác lập được thị trường ở nước ngoài thì phải có chiến lược tiếp cận và có kế hoạch về nhãn hiệu độc quyền tại thị trường đó. Ông Thọ chia sẻ: Sản xuất sản phẩm nếu không đảm bảo thì khó phát triển. Hiện tại các doanh nghiệp đã phần đều sản xuất hoàn toàn tự động hóa 100% và các công đoạn khép kín  nên phải kiểm tra nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất. Ngoài ra doanh nghiệp phải đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu. Đặc biệt phải đảm bảo chất lượng còn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là chuyện sống còn.

Theo tiến sĩ Trần Lê Hồng, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, thương hiệu Việt Nam còn thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam còn thua kém so với các đối tác. Chính vì thế trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cũng như các ngành liên quan cần đầu tư, xây dựng chương trình cho từng mặt hàng và thương hiệu của mình. Một yếu tố khác cũng rất quan trọng trong xây dựng và phát triển thương hiệu, đó là chỉ dẫn địa lý, dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia nào. Đây chính là danh tiếng tạo nên tên tuổi cho sản phẩm hay còn gọi là đặc sản.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng là một nội dung quan trọng của Chương trình Thương hiệu quốc gia trong giai đoạn tới. Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và thông qua các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể, nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển thương hiệu cạnh tranh của ngành; hướng dẫn và hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, các mặt hàng mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong và ngoài nước… Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Vấn đề phát triển thương hiệu quốc gia đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Tất cả những nội dung cơ bản của hoạt động thương hiệu quốc gia sẽ được tiếp tục quan tâm và xây dựng thành chương trình hoạt động ưu tiên của Bộ Công thương cũng như Hội đồng Thương hiệu quốc gia.         

Đào Yến-Việt Hà-Chung Thủy

 

 

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề thương hiệu ngày càng trở nên nóng bỏng và là vấn đề then chốt để đảm bảo năng lực hội nhập cũng như cạnh tranh chung của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Với sự vào cuộc của Chính phủ cùng các doanh nghiệp, trong thời gian tới, thương hiệu Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và vươn xa ra toàn thế giới./.

Feedback