Xây dựng, phát triển Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Hệ giá trị quốc gia là những giá trị nền tảng, từ đó xây nên nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang đặc trưng "dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học". 

Hôm nay (29/11), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia về chủ đề "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Xây dựng, phát triển Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế - ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Khánh Huyền/ qdnd.vn

Đây là một trong các hoạt động nhằm làm rõ hơn nội hàm và thành tố cơ bản của các hệ giá trị này trong thời kỳ mới, theo định hướng của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tháng 11 năm ngoái.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cách đây 1 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý xây dựng Hệ giá trị Việt Nam, gồm: Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và Chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới với các thành tố, như: Hòa bình, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, hiếu thảo, thủy chung, nhân ái, khoan dung, sáng tạo, cống hiến...

Xây dựng, phát triển Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế - ảnh 2Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Huyền/ qdnd.vn

Đây là những giá trị tiêu biểu, là khát vọng, là mục tiêu cao nhất mà toàn dân tộc Việt Nam đang hướng đến.

Văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh để thúc đẩy sự phát triển của đất nước

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN trước thềm Hội thảo quốc gia về chủ đề Hệ giá trị Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: "Các văn kiện của Đảng, đặc biệt là văn kiện Đại hội lần thứ XIII, đã đặt ra vấn đề xây dựng văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi và cũng là khâu đột phá, có giá trị là những động lực thúc đẩy phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra của Đảng, Nhà nước là chúng ta phải nghiên cứu sâu, xây dựng được hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị chuẩn mực quốc gia Việt Nam trong thời kỳ mới. Tinh thần đó đặt ra cho hội thảo lần này là phải tiếp tục thống nhất cao trong hệ thống chính trị, trong đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa và sứ mệnh văn hóa, con người Việt Nam. Chúng ta tiếp tục nhận thức, làm tỏa sáng hơn nữa quan điểm của Đảng, Bác Hồ là “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và “văn hóa còn, thì dân tộc còn”, văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh để thúc đẩy sự phát triển của đất nước".

Xây dựng, phát triển Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế - ảnh 3Các đại biểu tham quan không gian trưng bày sách tại hội thảo. Ảnh: Khánh Huyền/ qdnd.vn

Lựa chọn và xác định các giá trị Việt Nam

Theo đề xuất của các nhà nghiên cứu, hệ giá trị quốc gia là hệ thống các giá trị chỉ đạo, định hướng sự phát triển của Việt Nam theo lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, như: đường lối và phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng cộng sản Việt Nam. Hệ giá trị quốc gia được thực hiện thông qua đổi mới sáng tạo, xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gắn liền với hội nhập quốc tế, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn.

Nội dung hệ giá trị quốc gia là một cấu trúc chỉnh thể gồm 3 lớp quan hệ. Quan hệ thứ nhất là các giá trị cốt lõi: Hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Quan hệ thứ hai là các giá trị cơ bản: Đoàn kết, dân chủ, công bằng, bình đẳng. Quan hệ thứ ba là các giá trị hướng tới mục tiêu: Phồn vinh, hạnh phúc. Như vậy, có thể định hình hệ giá trị quốc gia gồm 10 giá trị, sắp xếp theo trật tự logic phù hợp với trật tự các lớp quan hệ. Đó là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đoàn kết, dân chủ, công bằng, bình đẳng, phồn vinh, hạnh phúc.  

Hệ giá trị quốc gia là những giá trị nền tảng, từ đó xây nên nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang đặc trưng "dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học". Hệ giá trị văn hóa Việt Nam bao gồm các giá trị: Yêu nước, đoàn kết, khoan dung, lạc quan, sáng tạo, đổi mới, phát triển.

Hệ giá trị văn hóa gia đình, được xây dựng phù hợp với hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia, gồm các giá trị: Hòa thuận, hiếu thảo, tình nghĩa, thủy chung, hạnh phúc. Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam gồm: Trung thực, khiêm tốn, vị tha, nhân ái, khoan dung, sáng tạo, năng động, cống hiến, đổi mới, phát triển.

Căn cứ xác định Hệ giá trị Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử và đặc điểm hình thành quốc gia, dân tộc, từ truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ những giao lưu văn hóa của dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác, từ những kinh nghiệm được đúc kết qua thực tiễn lịch sử. Và đặc biệt hơn là từ những khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam trong xu thế biến đổi của khu vực, thế giới và thời đại.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nhấn mạnh: "Trước hết, phải khẳng định rằng chúng ta đã có nền văn hóa hàng ngàn năm lịch sử. Chúng ta có nền văn hóa tạo nên sức mạnh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như là chống đế quốc Mỹ để giành độc lập, thống nhất đất nước và đã có được một giá trị văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, thể hiện trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII, tổng kết 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ. Tuy nhiên, văn hóa và con người luôn luôn vận động và phát triển theo yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn hoàn thiện, đổi mới, nhưng đổi mới phải trên nền tảng của quốc gia, dân tộc, phát huy những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Và đây là thời điểm chín muồi để chúng ta cụ thể hóa những quan điểm của Đảng thành những hệ giá trị và coi đây là những tiêu chí, những chuẩn mực để mỗi tổ chức, mỗi người nỗ lực phấn đấu".

Hệ giá trị Việt Nam, kết tinh từ những giá trị bền vững đã định hình từ truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, sẽ được gìn giữ, phát huy trong hiện tại và dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi tới tương lai.

Feedback