Xây dựng nền tảng cơ bản, lâu dài để cải thiện môi trường kinh doanh

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển.

Đây là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh", do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm WB và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phối hợp tổ chức, ngày 19/3, tại Hà Nội.

Xây dựng nền tảng cơ bản, lâu dài để cải thiện môi trường kinh doanh - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Báo Nhân dân

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh", rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, dựa vào khoa học và công nghệ để phát triển đất nước. Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Việt Nam đang nỗ lực đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

 Doanh nghiệp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững, hội nhập sâu rộng

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có đóng góp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với kinh tế khu vực và toàn cầu. Sau hơn 37 năm đổi mới, quy mô kinh tế Việt Nam đã đạt hơn 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt hơn 4.100 USD, Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Năm 2022 và những tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được củng cố, đối ngoại và hội nhập tiếp tục được mở rộng, tăng cường…Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài năm ngoái đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với gần 60 nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 15 FTA đã được ký kết và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán.Việc Việt Nam đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho sự phát triển chính là nền tảng cơ bản để Việt Nam tiếp tục phát triển trong tương lai.

Xây dựng nền tảng cơ bản, lâu dài để cải thiện môi trường kinh doanh - ảnh 2Đại sứ các nước tại Việt Nam tham dự diễn đàn. Ảnh: Báo Nhân dân

Tiếp tục tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đang kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chính phủ xác định nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị tiên tiến và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá nên tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.Về thể chế, Việt Nam tập trung rà soát các vướng mắc pháp lý, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Về điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Cải cách hành chính là 1 trong ba đột phá chính phủ đã làm. Năm 2022 đã cắt bỏ hơn 1000 thủ tục với người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó thì đẩy mạnh chuyển đổi số vào cải cách thủ tục hành chính, xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, xây dựng đề án 06 để giải quyết thủ tục hành chính từ cơ sở gắn với cơ sở dữ liệu dân cư để người dân doanh nghiệp tham gia vào môi trường số để cải cách thủ tục hành chính".

Về kết cấu hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chuẩn bị phát triển đường sắt tốc độ cao, xây dựng các sân bay, cảng biển, đường thủy nội địa; hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu... Từ đó, góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, hàng hóa.Về nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao…Việt Nam cũng tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; triển khai công tác quy hoạch. Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đây là những giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phát triển kinh tế bền vững, lâu dài.

Cùng với các giải pháp căn cơ, lâu dài, trước mắt, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cả về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực…Việt Nam sẽ phát triển đồng bộ thị trường hàng hóa và dịch vụ, tài chính - tiền tệ, chứng khoán; quyền sử dụng đất, bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động, mua sắm công…, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng trong phát triển, đóng góp xây dựng đất nước.

Feedback