Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, được triển khai thực hiện từ năm 2013 đến nay đã thu được nhiều kết quả ấn tượng. Trong giai đoạn 5 năm tái cơ cấu, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân giai đoạn 5 năm trước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: kinhtedothi |
Nông lâm thuỷ sản Việt Nam đã được xuất khẩu ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Một trong những điểm nhấn của kết quả tái cơ cấu là số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng nhanh. Chỉ trong vòng 4 năm gần đây, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng gấp 3 lần, từ 3.000 doanh nghiệp lên 9.000 doanh nghiệp. Số lượng hợp tác xã cũng phát triển lên tới con số 13.200, cùng 33.000 trang trại. Dự kiến, năm 2018, các thành phần kinh tế sẽ đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng vào nông nghiệp.
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng tái cơ cấu ngành nông nghiệp là sự cần thiết phải và là chiến lược lâu dài. Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, cho rằng: “Để phát triển nông nghiệp phải có vai trò của doanh nghiệp và hợp tác xã, không có hợp tác xã thì sẽ không kết nối được giữa nông dân hợp tác xã với doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành liên quan sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định về khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cũng như từ ngân sách còn thấp, để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nông nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ quan tâm hơn các nguồn lực để khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, nhất là đối với tỉnh còn khó khăn”.
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị: “Giai đoạn tới xác định mục tiêu chung là xây dựng một nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế, muốn cạnh tranh được thì phải có chất lượng, năng suất và hiệu quả có khối lượng lớn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Thu hút các doanh nghiệp trong đó có các hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp và phải coi là doanh nghiệp, hợp tác xã là những động lực chính cho phát triển và coi người dân là đối tượng để phục vụ và là yếu tố quyết định thành công của quá trình tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp”.
Nhấn mạnh việc tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp gắn thị trường tiêu thụ trong nước với thị trường thế giới, trong đó, lấy thị trường thế giới làm mục tiêu để cạnh tranh và phát triển. Phấn đấu từ nay đến năm 2020, ngành đặt mục tiêu gia tăng giá trị đạt tối thiểu 3%/năm; năng suất lao động tăng từ 3,5%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.