Ngày 14/7, nước Pháp kỷ niệm 231 năm ngày Quốc khánh (14/7/1789 - 14/7/2020). Sau hơn 230 năm phát triển, hiện nay, Cộng hòa Pháp là quốc gia thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu, có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong 47 năm thiết lập quan hệ song phương, Việt Nam – Pháp đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược nhiều dấu ấn, tạo nền tảng vững chắc để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp đã có những tiến triển tích cực. Không đơn thuần chỉ trong lĩnh vực chính trị, quan hệ Việt Pháp được củng cố và mở rộng cả trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác giữa các địa phương và ngoại giao nhân dân.
Quang cảnh buổi họp mặt kỷ niệm 231 năm ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/7/2020. (Ảnh: Xuân Khu-TTXVN) |
Hợp tác kinh tế phát triển mạnh mẽ
Hợp tác kinh tế là lĩnh vực đạt được nhiều dấu ấn trong quan hệ song phương Việt – Pháp. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019 (đứng thứ 3 tại châu Âu chỉ sau Đức và Hà Lan). Về đầu tư trực tiếp, tính lũy kế đến hết tháng 5 năm 2020, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam (sau Hà Lan).
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu, để tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, vừa qua, Việt Nam, Pháp và EU phối hợp tổ chức Hội thảo trực truyến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Hội thảo đã giúp doanh nghiệp Pháp tiếp cận với những chính sách thương mại và đầu tư của Việt Nam có hiệu lực sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, những thông tin mới về thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân và là cửa ngõ của khu vực ASEAN với hơn 600 triệu dân.
Quang cảnh buổi họp mặt kỷ niệm 231 năm ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/7/2020. - Ảnh: Xuân Khu-TTXVN |
Phát biểu tại Hội thảo trực truyến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định rằng: Việt Nam tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong những ngành vốn là thế mạnh truyền thống của Pháp như năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, nông nghiệp, chế biến, chế tạo… Đồng thời, khuyến khích hợp tác đầu tư vào các ngành mà 2 bên có thể tận dụng lợi thế nhờ Hiệp định EVFTA mang lại, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ (cho dệt may, da giày, ô tô.. .Tôi mong muốn rằng sẽ có rất dự án hợp tác thành công Pháp - Việt."
Trong kinh tế, hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng trở thành các chủ thể quan trọng, có tầm ảnh hưởng và vai trò lớn đối với các doanh nghiệp hai nước. Có thể nói, hình thức hợp tác này có quy mô lớn nhất, có cơ chế tốt nhất trong mạng lưới hợp tác địa phương giữa Việt Nam và nước ngoài. Thông qua hợp tác địa phương, nhiều dự án cụ thể trong nhiều lĩnh vực từ quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, phát triển bền vững…đã được triển khai và mang lại kết quả rất tích cực.
Đánh giá nhân dịp 20 năm hợp tác địa phương Pháp - Việt, Phó chủ tịch thứ nhất Thượng viện Pháp Philippe Dallier nhấn mạnh: "Hai mươi năm qua (từ năm 1999 đến 2019), quãng thời gian hợp tác giữa Pháp và Việt Nam đã là minh chứng cho sự vững chắc, sự năng động và sự sẻ chia lợi ích giữa hai bên, để củng cố hơn nữa sự phát triển của các địa phương hai nước. Điều này đã được chúng tôi khẳng định rất nhiều lần và quan hệ đối tác giữa các chính quyền địa phương như một nhân tố trung gian thúc đẩy quan hệ giữa nhà nước với nhà nước. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực châu Á mà một mối quan hệ đối tác như thế được nuôi dưỡng ở một tầm cao, với những thành công mà cả người Việt Nam lẫn người Pháp đều có thể tự hào."
Quan hệ ngoại giao nhân dân, hợp tác địa phương đạt nhiều dấu ấn
Trong 47 năm qua, quan hệ ngoại giao nhân dân giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ, là điểm nhấn của quan hệ Việt – Pháp. Nhiều cuộc thi tìm hiểu nước Pháp, liên hoan tiếng hát Pháp ngữ được tổ chức trong giới trẻ Việt Nam, nhằm giúp người dân Việt Nam hiểu hơn về những nét đặc sắc của văn hóa Pháp.
Cũng trong quan hệ ngoại giao nhân dân, vừa qua, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đã hỗ trợ vật tư y tế (khẩu trang, đồ bảo hộ y tế...) cho nhân dân Pháp chống dịch Covid-19. Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM, ông Vincent Floreani đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của nhân dân Việt Nam đồng thời khẳng định sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác Pháp - Việt… Về định hướng hợp tác phát triển quan hệ Việt – Pháp trong tương lai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự bền vững trong các dự án.
"Yếu tố “bền vững” chính là mục tiêu mà chúng ta hướng tới. Phát huy văn hóa, di sản phải đảm bảo nguyên tắc bền vững; giáo dục và y tế cũng để tạo ra nguồn lực có tính bền vững. Ứng phó với biến đổi khí hậu là tìm cách sống và thích nghi bền vững với những điều kiện khí hậu thay đổi. Phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng bền vững và quy hoạch đô thị cũng phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu bền vững phải trở thành một tiêu chí, một cơ sở để xây dựng kế hoạch và thực tế đang đòi hỏi các dự án hợp tác không chỉ ở quy mô quốc gia mà ở cấp độ địa phương."
Việt Nam và Pháp cùng nhau trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, cùng nhau vượt qua những khúc quanh để trở thành những người bạn đồng hành, tin cậy. Ngày nay, mối quan hệ này tiếp tục được 2 nước vun đắp theo đúng tính chất của quan hệ đối tác chiến lược.