Việt Nam và nỗ lực đóng góp cho hòa bình, ổn định ở biển Đông

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Quan điểm nhất quán của Việt Nam trong vấn đề biển Đông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Ngày 4/11/2022 tròn 20 năm các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 diễn ra tại Campuchia (11/2002). Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện DOC nghiêm túc, đầy đủ, nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Việt Nam và nỗ lực đóng góp cho hòa bình, ổn định ở biển Đông  - ảnh 1Chiến sỹ trên đảo Núi Le, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: Duy Tiến/ baodaklak.vn

Là văn kiện đầu tiên ASEAN và Trung Quốc đạt được trong vấn đề biển Đông, DOC là cơ sở để soi chiếu, đánh giá tính hợp pháp, chính đáng trong hành vi của các bên liên quan theo các cam kết của mình. Đồng thời, DOC cũng thúc đẩy việc xây dựng lòng tin, hợp tác biển giữa ASEAN - Trung Quốc.

Tuân thủ các cam kết của DOC

Trong tuyên bố DOC, nội dung được nhắc đến đầu tiên là các bên khẳng định lại cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ), Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế, là những quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia. Cam kết này mang tính chủ đạo.

Với chủ trương đối ngoại hòa bình, từ khi Tuyên bố DOC được ký đến nay, Việt Nam luôn tuân thủ các cam kết trong DOC, đồng thời yêu cầu các nước liên quan thực hiện đúng các cam kết trong Văn kiện này. Trong quá trình thực hiện DOC, Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến biển Ðông bằng các biện pháp hòa bình, căn cứ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Phát biểu tại các diễn đàn đa phương, song phương hay các cuộc tiếp xúc cấp cao, các vị lãnh đạo Việt Nam nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán là ưu tiên giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. 

Các hoạt động hợp tác biển mà Tuyên bố DOC đề cập như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ… cũng được Việt Nam tôn trọng. Việt Nam ký nhiều Hiệp định hợp tác với các quốc gia có liên quan trong việc giải quyết các vùng biển chồng lấn. Trong nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển, Việt Nam và Philippines cùng khởi xướng và tiến hành các chuyến Khảo sát Nghiên cứu khoa học biển và hải dương học chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS).

Với 4 chuyến khảo sát thành công vào các năm 1996, 2000, 2005 và 2006, JOMSRE-SCS đã là một điển hình về việc hợp tác nghiên cứu biển của khu vực, nhất là giữa các nước có tranh chấp ở khu vực biển Đông. Hợp tác biển giữa Việt Nam và Philippines còn được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường biển, khí tượng thủy văn, giao thông vận tải biển, tìm kiếm cứu nạn…

Trong hợp tác biển với Trung Quốc, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và nguồn lực của mỗi bên, hai nước cũng có nhiều dự án trong các lĩnh vực nghiên cứu trầm tích, thúc đẩy một số dự án hợp tác mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển. Kết quả của việc triển khai hợp tác quốc tế về biển trong thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương và hiệu quả thực sự của hoạt động hợp tác; khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông là rõ ràng và nhất quán.

Dư luận quốc tế đồng tình

Quan điểm nhất quán của Việt Nam trong vấn đề biển Đông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Bài viết trên trang mạng Infox.ru (Nga) với nhan đề “Việt Nam - ngọn cờ đầu của ASEAN,” tác giả Grigory Trofimchuk, khẳng định lập trường nhất quán và mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc thiết lập môi trường hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực, bao gồm biển Đông, là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thích nghi với tình hình địa chính trị hiện đại. Chuyên gia Nga đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực, khẳng định Việt Nam có uy tín và vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Valeria Vershinina của Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), Bộ Ngoại giao Nga, nêu bật vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự để tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp ở biển Đông.

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của các văn bản pháp lý quốc tế, bao gồm UNCLOS, đối với các tranh chấp ở biển Đông, cũng như việc thúc đẩy quá trình đàm phán thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), chuyên gia Anton Viktorovich Bredikhin, Tiến sỹ Lịch sử, thành viên Hội đồng khoa học Trung tâm Khoa học xã hội "Các vấn đề chính trị - xã hội hình thành EAEU" Viện Hàn lâm khoa học Nga, đánh giá cao chính sách nhất quán của Việt Nam trong nỗ lực tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm kinh tế biển, đặc biệt là ở biển Đông, với phương châm “hòa bình - hữu nghị, hợp tác-phát triển."

20 năm qua, kể từ khi ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, Việt Nam luôn tuân thủ các nội dung đã cam kết, mong muốn cùng các nước hợp tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Cách tiếp cận hợp lý, các nỗ lực tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện toàn diện DOC góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và ý nghĩa của DOC, đóng góp xứng đáng vào nỗ lực chung của ASEAN, của cộng đồng quốc tế vì một biển Đông hoà bình, hữu nghị và hợp tác.

Feedback