Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực về chỉ số phát triển con người và nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng cao nhất thế giới. Nếu năm 1990, khi Việt Nam mới tham gia vào việc đánh giá chỉ số phát triển con người, Việt Nam chỉ đạt mức thấp là 0,48 thì đến nay, Việt Nam đã lọt vào nhóm các nước có chỉ số cao. Với chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2021 mà Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) vừa công bố là 0,703, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2019, xếp thứ 115 trong số 191 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
|
Giáo sư Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, đánh giá: "Không giống như phần lớn các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong cả 2 năm khó khăn nhất của đại dịch. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại và các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương thực sự có những giai đoạn rất khó khăn nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược về tiến độ phát triển con người".
Các kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy, thực hiện công cuộc đổi mới, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam có bước phát triển ấn tượng. Đổi mới kinh tế đặt ra nhu cầu công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trên lĩnh vực kinh tế, đồng thời, tác động đến quyền con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (tháng 12/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất là lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trước đó, chính sách, cam kết nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực quan trọng nhất của đất nước cũng được thể hiện rõ qua tinh thần văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và trong ứng phó với dịch COVID-19.
Đánh giá về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang khẳng định: "Có thể nói đây là cam kết chính trị cao nhất, mạnh mẽ nhất của Việt Nam về thúc đẩy quyền con người. Tôi cũng cho rằng là đây là cách tiếp cận tổng quát của Liên Hợp quốc và tất cả các nước trên thế giới đang đóng góp vào bức tranh chung vào bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Là thành viên trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn luôn dành sự quan tâm xuyên suốt cho giá trị phổ quát đó".
Trên bình diện toàn cầu, Việt Nam đã gia nhập hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế chủ chốt như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ…
Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Trong 5 lần sửa đổi Hiến pháp, quyền con người ngày càng được Quốc hội Việt Nam quy định toàn diện, đầy đủ hơn. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã dành riêng một chương gồm 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.Từ đó đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới nhiều văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân; trong đó có một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật trưng cầu ý dân 2015, Luật trẻ em 2016, Luật trợ giúp pháp lý 2017, Luật an ninh mạng 2018, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019…
Trong thông điệp trực tuyến gửi tới Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ (tháng 3/2022), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam, nhấn mạnh: "Việc lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển chính là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam, không chỉ trong 45 năm làm thành viên Liên hợp quốc đến nay, mà từ ngày nước Việt Nam giành độc lập năm 1945. Cách tiếp cận tổng thể, cân bằng đó đã giúp Việt Nam xử lý nhiều thách thức, đạt được nhiều thành tựu phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội, mà mới đây nhất là trong ứng phó với đại dịch Covid-19".
Việt Nam quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh. Những giá trị mà Việt Nam luôn phấn đấu mang lại cho người dân nước mình cũng chính là những giá trị Liên hợp quốc cam kết mang lại cho nhân loại. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.