Việt Nam và Châu Âu cùng hướng đến tương lai

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Thương mại-đầu tư chính là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU.

(VOV5)- Thương mại-đầu tư chính là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU.

Ngày 25-8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Baroso bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Baroso với tư cách Chủ tịch EC, thể hiện mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.


Việt Nam và Châu Âu cùng hướng đến tương lai - ảnh 1
Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso. (Ảnh: THX/TTXVN)

Liên minh Châu Âu (EU) gồm 28 nước thành viên, là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù. Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1990. Năm 1996, EU chính thức mở Phái đoàn Đại diện thường trực tại Hà Nội. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai bên đã đi vào khuôn khổ, phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam và EU thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Hiện tại, EU đã trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Bước đột phá trong quan hệ Việt Nam-EU

Kể từ sau khi EU thông qua Hiệp ước Lisbon về cải cách các thể chế, EU triển khai đường lối đối ngoại tích cực, đáng chú ý là quan tâm hơn đến địa bàn châu Á và đặc biệt là đến ASEAN, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thúc đẩy được rất tích cực về nhiều mặt với EU. Đặc biệt, năm 2012 đánh dấu một bước đột phá trong quan hệ Việt Nam-EU khi hai bên chính thức ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và bên cạnh EU Phạm Sanh Châu khẳng định: Lần đầu tiên chúng ta đã ký được thỏa thuận và phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), làm cơ sở cho hợp tác Việt Nam-EU phát triển toàn diện. Sự kiện này đã vượt khỏi khuôn khổ của công tác hợp tác thông thường, của một nước nhận viện trợ và nước cho viện trợ. Và hiện nay đang đàm phán một Hiệp định thương mại tự do (FTA). FTA này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam vào thị trường Châu Âu mà không phải trả thuế quan.

Có thể khẳng định rằng thương mại-đầu tư chính là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU. Từ năm 2001 đến 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 7 lần, từ mức 4,5 tỷ USD năm 2001 lên 33,7 tỷ USD năm 2013. Năm 2012, EU lần đầu tiên vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam-EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh và Việt Nam liên tục xuất siêu sang EU. Về đầu tư, tính đến tháng 6-2014, đã có 23/28 nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam với 1.471 dự án có tổng vốn đăng ký trên 18 tỷ USD. Các nước EU có dự án tại hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí, nước, thông tin truyền thông… Chính vì vậy, một FTA giữa Việt Nam và EU đang được cả hai bên nhanh chóng thúc đẩy, nhằm tận dụng cơ hội thương mại, đầu tư. Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 11, 12/8 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Catherine Ashton đã nhấn mạnh: Khi FTA Việt Nam - EU được hoàn tất sẽ mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp hai nước, thương mại hai chiều sẽ gia tăng mạnh, mang lại lợi ích cho cả EU và Việt Nam, đáp ứng được kỳ vọng của cả hai bên. Hiện tại tiến trình đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU đang tiến triển rất tích cực và chúng tôi hy vọng rằng có thể sớm kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.

Không những là đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư, EU và các nước thành viên còn là nhà tài trợ lớn về vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. EU cam kết tăng viện trợ cho Việt Nam 400 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020, tăng 30% so với giai đoạn 2007-2013.

Cùng hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới

Bên cạnh quan hệ song phương, Việt Nam và EU cũng hợp tác tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, hợp tác Á-Âu (ASEM) và Liên hợp quốc trong nhiều lĩnh vực... Hiện Việt Nam đang là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - EU. Hồi tháng 7 vừa qua, Việt Nam và EU đã chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 20 với chủ đề “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng”. Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết thêm: Một điểm mới rất đáng chú ý trong quan hệ Việt Nam-EU, liên quan đến vấn đề an ninh của Việt Nam, đó là EU là một trong số rất ít những đối tác nước ngoài có điều trần về tình hình Biển Đông tại Nghị viện Châu Âu. Nghị viện Châu Âu cũng thông qua nghị quyết tăng cường quan hệ với các nước ASEAN nhưng trong đó có đề cập đến các lập trường cơ bản về vấn đề gìn giữ hòa bình ở khu vực Biển Đông. Đó là điểm rất tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Trong hai ngày ở Việt Nam, Chủ tịch EC J. Manuel Baroso trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam về các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Chuyến thăm của ông Manuel đến Việt Nam lần này chắc chắn sẽ mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và EU. Điều này sẽ đem lại lợi ích to lớn hơn nữa cho cả hai bên, cũng như vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới./.

Feedback