Hôm nay (7/6), tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương tham gia ứng cử. Trúng cử là thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là cơ hội để Việt Nam đóng góp trách nhiệm của mình nhiều hơn nữa vào việc đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế.
Việc ứng cử lần này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình, vì độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển. Đây là sự thể hiện ở mức cao nhất chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, và sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, trong đó có tổ chức đa phương lớn nhất là Liên Hợp Quốc.
Bối cảnh quốc tế nhiều thách thức
Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Thành công của nhiệm kỳ đầu tiên đã để lại uy tín của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đây cũng là kinh nghiệm tốt để Việt Nam chuẩn bị cho những kế hoạch sắp tới khi có thể chính thức đảm nhiệm vị trí quan trọng này lần thứ hai.
Ngày 11/4/2019, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề 'Phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.' Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại phiên thảo luận. - Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN
|
Tuy nhiên, khác với 10 năm trước, tình hình an ninh quốc tế hiện nay còn nhiều thách thức phức tạp. Có thể nói gần như tháng nào Hội đồng bảo an, cơ quan đảm bảo hòa bình an ninh quan trọng hàng đầu của Liên Hợp Quốc, cũng phải đặt lên bàn nghị sự các vấn đề nóng của thế giới ở tất cả các khu vực. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần chuẩn bị rất kỹ để thực hiện tốt vai trò của mình. Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng:Trong 10 năm qua, cục diện và tình hình thế giới đã xoay chuyển rất nhiều. Hòa bình phát triển vẫn tiếp tục là dòng chảy chính, tiếp tục là ưu tiên nhưng đồng thời có những phức tạp mới. Đó là cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, tranh chấp giữa các khu vực. Ngoài ra cũng có vấn đề là sự nhìn nhận về hòa bình, an ninh của các nước khác trước. Như vậy, chúng ta phải suy nghĩ để làm sao cùng các nước đóng góp cho hòa bình thế giới nhiều nhất, thúc đẩy sự hợp tác của tất cả các quốc gia trên thế giới, làm sao cho hòa bình ở các nơi đều được sâu đậm ở tất cả các khu vực.
Việt Nam từng được cộng đồng quốc tế đánh giá là một quốc gia thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, ủng hộ cách tiếp cận đa phương, tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trên thực tế, ở lần đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc lần thứ nhất nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã để lại dấu ấn tích cực. Chính vì vậy, ở lần ứng cử này, cộng đồng quốc tế trông đợi Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình, trông đợi Việt Nam tiếp tục truyền thống tôn trọng luật pháp quốc tế, đề cao giải quyết các mâu thuẫn quốc tế thông qua hòa bình khi tham gia Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Ông Shahriman Lockman, Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia cho rằng: Đông Nam Á là khu vực có thể tiềm ẩn nhiều xung đột và vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA có thể trùng lắp với vai trò Chủ tịch ASEAN và Việt Nam sẽ phải gánh trách nhiệm hết sức nặng nề. Nhưng với kinh nghiệm đã có từ hai cuộc chiến tranh, kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề ở Biển Đông, Việt Nam có thể khéo léo giải quyết và ngăn ngừa xung đột. Tôi cho rằng vị thế của Việt Nam trong những năm qua có thể đáp ứng được nguyện vọng này.
Trách nhiệm vì một thế giới hòa bình
Trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều thách thức đòi hỏi Hội đồng bảo an và các nước thành viên phải rất nỗ lực trong vai trò mà thế giới trao gửi. Vì vậy, Việt Nam đã có sự chuẩn bị về mọi mặt để đang nỗ lực để khi trúng cử vào Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc có thể tạo ra động lực để thúc đẩy sự hợp tác của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng: Chúng ta phải nắm được những câu chuyện đang diễn ra trên thế giới với trách nhiệm là thành viên không thường trực HĐBA. Không còn là trách nhiệm quốc gia nữa mà là trách nhiệm chung, trách nhiệm của một thành viên LHQ. Thứ hai là câu chuyện mà chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tư thế là làm sao tham vấn các nước thành viên HĐBA, tham vấn những nước thành viên LHQ khác, cũng như chúng ta phải tham vấn với những nước có vấn đề để làm sao chúng ta có thể có những kiến nghị và đóng góp vào đó một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cả về cơ chế chính sách, vật chất, con người, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia cả hai đầu, thủ đô và ở Đại hội đồng LHQ.
Tư duy mới về đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” sang “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, cùng với kinh nghiệm của lần tham gia 10 năm trước, sẽ là cơ sở để Việt Nam đủ sức đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.