Việt Nam tăng cường cải cách để có tăng trưởng chất lượng hơn

Dũng - Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2018 được đánh giá là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Ngay đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế xã hội và ngân sách năm 2018, trong đó tập trung các giải pháp vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Tuần qua, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành sớm cụ thể hóa cơ chế thu hút nhân lực chất lượng vào các khu công nghệ cao, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để các nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam. Những động thái này hướng tới mục tiêu để kinh tế Việt Nam bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng mới với chất lượng cao hơn.

Việt Nam tăng cường cải cách để có tăng trưởng chất lượng hơn - ảnh 1Phát triển các khu công nghệ cao là hướng đi "mở đường" cho việc tạo mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu và phát triển với hoạt động sản xuất, kinh doanh - Ảnh: tapchitaichinh 

Việc đưa ra các cải cách kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế thị trường thành công của thế giới. Tư nhân được khuyến khích và các doanh nghiệp nhà nước đã được cơ cấu lại để hoạt động dưới những ràng buộc của thị trường. Sản xuất, công nghệ thông tin và kinh doanh công nghệ cao hiện nay là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân. Tỷ lệ nghèo đói đã giảm do các chính sách công bằng như phân bổ đất bình quân nhằm giảm sự bất bình đẳng.

Cụ thể hóa chính sách thu hút các nhà nghiên cứu vào khu công nghệ cao

Việt Nam hiện có 3 khu công nghệ cao quốc gia được thành lập đó là Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động thu hút đầu tư ở 3 khu công nghệ cao tạo nền tảng để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến nay, 3 khu công nghệ cao quốc gia đã thu hút hơn 200 dự án đầu tư với số vốn đăng ký gần 10 tỷ USD. 

Mục tiêu hình thành các khu công nghệ cao quốc gia là góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền. Vì vậy, việc hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao luôn được chú trọng. 

Trong chuyến thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Thủ tướng kỳ vọng về Khu công nghệ cao Hòa Lạc là nơi đóng góp vào nền khoa học công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0; nơi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, đóng góp vào xây dựng Thủ đô cũng như đất nước. Một kỳ vọng như vậy thì các cấp các ngành phải có sự tập trung tốt hơn nữa để xây dựng khu này thành công”.

Việt Nam tăng cường cải cách để có tăng trưởng chất lượng hơn - ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Ảnh: VGP

Để tháo gỡ khó khăn về vấn đề thể chế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành sớm ban hành các thông tư hướng dẫn tạo điều kiện cho Khu công nghệ cao phát triển, yêu cầu sớm đề xuất sửa đổi các quy định còn vướng mắc, trong đó có một số điểm của Luật Công nghệ cao năm 2008: “Cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng phải được cụ thể hóa để tạo điều kiện cho các nhà nhà nghiên cứu vào khu công nghệ cao. Những vướng mắc gì phải tập hợp, có thể Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ chủ trì nghe lại để có những quyết sách cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết cho nhanh. Thủ tướng sẵn sàng ủng hộ tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật, sẵn sàng đưa ra Chính phủ để biểu quyết để ủng hộ cho chính sách thu hút nhân tài này. Đây chính là điều hết sức quan trọng để khởi nghiệp cũng như xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam”.  

Tiếp tục thúc đẩy cải cách trên nhiều lĩnh vực

Năm 2018 được đánh giá là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, Việt Nam tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Ngoài ra, là thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính phủ cũng xác định tập trung cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu năm 2018 đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là rất thuận lợi, nếu tiến trình cải cách trong nước tiếp tục được thực hiện đồng bộ.

3 năm còn lại (2018, 2019 và 2020) của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế 2016-2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với 15 năm phát triển tiếp theo của Việt Nam. Đây là giai đoạn chuyển mình từ một nền kinh tế tăng trưởng về lượng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương sang một nền kinh tế tăng trưởng về chất, có sức cạnh tranh cao. Việc ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ quyết liệt thúc đẩy cải cách nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiệu trên.

Feedback