Việt Nam sẵn sàng đóng góp thúc đẩy đối thoại, hợp tác để duy trì an ninh trên biển

Vũ Khuyên
Chia sẻ
(VOV5) - Các tranh chấp trên biển, bao gồm cả Biển Đông, cần phải được giải quyết một cách hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

An ninh trên biển đang gặp nhiều thách thức, trong đó có các tranh chấp lãnh thổ và các vi phạm nghiêm trọng về chủ quyền lãnh thổ. Giữ gìn và tăng cường an ninh biển là lợi ích, là nhiệm vụ cấp bách và trách nhiệm chung của cả cộng đồng quốc tế. Các tranh chấp trên biển, bao gồm cả Biển Đông, cần phải được giải quyết một cách hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây cũng là thông điệp của Việt Nam được người đứng đầu chính phủ đưa ra tại Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) với chủ đề “Thúc đẩy An ninh Biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” diễn ra ngày 9/8.

Việt Nam sẵn sàng đóng góp thúc đẩy đối thoại, hợp tác để duy trì an ninh trên biển  - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) với chủ đề “Thúc đẩy An ninh Biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển trong bối cảnh có nhiều thách thức gia tăng đối với an ninh biển trên thế giới và ở các khu vực.

An ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu

Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh biển và đại dương là nguồn tài nguyên to lớn của nhân loại, là huyết mạch của giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối các quốc gia, châu lục và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc.

Việt Nam sẵn sàng đóng góp thúc đẩy đối thoại, hợp tác để duy trì an ninh trên biển  - ảnh 2Quang cảnh Phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, biển và đại dương đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh. Đặc biệt, những hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, thậm chí đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, làm ảnh hưởng đến hòa bình, hữu nghị, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giao thương. Bởi vậy, giữ gìn và tăng cường an ninh biển là lợi ích, là nhiệm vụ cấp bách và trách nhiệm chung của cả cộng đồng quốc tế.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng cho rằng các quốc gia và tổ chức quốc tế cần nhận thức toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển. Từ nhận thức đó sẽ chuyển hóa thành trách nhiệm và quyết tâm chính trị, củng cố lòng tin, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong bảo tồn, sử dụng biển bền vững, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh biển; đồng thời ưu tiên nguồn lực và triển khai hiệu quả các chiến lược và pháp luật quốc gia để thực hiện mục tiêu này. Bên cạnh đó, an ninh biển là vấn đề toàn cầu nên để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển cần hợp tác ở phạm vi toàn cầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất: “Việt Nam đề xuất thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hợp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung trên toàn cầu. Việt Nam đánh giá cao vai trò và đang tích cực tham gia các sáng kiến, cơ chế hợp tác thực chất trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN và các nước đối tác về an ninh biển ở khu vực Biển Đông, giúp tạo diễn đàn đối thoại, xây dựng lòng tin, góp phần điều phối hợp tác về an ninh trên biển ở khu vực”.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác để duy trì an ninh biển

Là quốc gia ven biển, Việt Nam nhận thức sâu sắc về giá trị to lớn của biển cũng như những thách thức đặt ra đối với an ninh biển. Với quan điểm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh biển, đóng góp tích cực vào duy trì môi trường hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Là một thành viên của Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến, cơ chế hợp tác thực chất trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN và các nước đối tác về an ninh biển ở khu vực Biển Đông, giúp tạo diễn đàn đối thoại, xây dựng lòng tin, góp phần điều phối hợp tác về an ninh trên biển ở khu vực: “Việt Nam quyết tâm cùng ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đàm phán xây dựng tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982. Bên cạnh đó, Việt Nam kêu gọi các nước, các cơ chế đa phương, nhất là các cơ chế Liên hợp quốc, tiếp tục tăng cường hỗ trợ và quan tâm thích đáng đến khó khăn, lợi ích của các nước đang phát triển nói chung và khu vực nói riêng”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở cho hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu và các quốc gia cần tuân thủ đầy đủ. Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa thúc đẩy đối thoại, tạo dựng lòng tin để cùng cộng đồng quốc tế duy trì an ninh trên biển, phát huy những giá trị to lớn của biển, vì một tương lai hòa bình, thịnh vượng chung của nhân loại.

Feedback