Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN. Từ nay đến hết 31/12/2020, với vai trò Chủ tịch, Việt Nam tổ chức và điều phối hơn 300 sự kiện, hoạt động lớn nhỏ trong các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng đến văn hóa xã hội. Khối lượng công việc là vô cùng lớn, song Việt Nam đã hoàn toàn sẵn sàng cho một năm Chủ tịch ASEAN đầy tự tin và trách nhiệm.
Ảnh minh họa: chinhphu |
Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, cùng 5 ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo cho nhiệm kỳ Chủ tịch năng động với nhiều hoạt động trải rộng trên các lĩnh vực.
5 ưu tiên và 300 hoạt động
Có thể nói, khối lượng công việc mà Việt Nam sẽ đảm nhiệm trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ rất nặng nề, cả về nội dung lẫn công tác tổ chức, lễ tân, tuyên truyền. Dưới chủ đề xuyên suốt “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên và đây chính là 5 chất keo dính cần thiết để xây dựng một Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng. Đó là đoàn kết và thống nhất; Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Thúc đẩy ý thức cộng đồng, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi đến người dân; Đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.
Trên cơ sở xác định được yêu cầu và nhiệm vụ trên, Việt Nam đã khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Uỷ ban quốc gia ASEAN Việt Nam 2020, khẳng định: “Công việc rất lớn, cho nên việc chuẩn bị cũng rất quy mô và cần làm từ rất sớm. Về tổ chức bộ máy, từ cuối năm 2018, Uỷ ban quốc gia ASEAN đã được thành lập và chúng ta đã xác định được chủ đề, trọng tâm ưu tiên cũng như các sáng kiến của chúng ta cho cả năm. Các mặt công tác khác như tuyên truyền văn hóa chúng ta đã có đề án, công tác lễ tân an ninh, y tế vật chất hậu cần đều có kế hoạch cụ thể để đảm bảo rằng chúng ta sẽ tổ chức tốt năm chủ tịch ASEAN 2020 với sự chu đáo cao nhất”.
Trong năm chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam chủ trì điều phối, tổ chức khoảng 300 hội nghị hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 2 dịp hội nghị cấp cao vào tháng 4 và tháng 11 năm 2020. Ngoài ra, còn có Hội nghị Đại hội đồng nghị viện ASEAN lần thứ 41 vào tháng 8 tại Quảng Ninh và hơn 20 cuộc họp cấp bộ trưởng. Vừa qua, Việt Nam tổ chức thành công hội nghị đầu tiên là Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao hẹp ASEAN tại Nha Trang (Khánh Hòa).
Dành quyết tâm cao nhất cho thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020
Năm 2020 là năm rất đặc biệt của ASEAN và Việt Nam. Đối với ASEAN, đó là tròn 5 năm thành lập Cộng đồng ASEAN, là mốc kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2020, hoàn tất triển khai một loạt kế hoạch hành động giữa ASEAN với các đối tác. Đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam vừa có trách nhiệm vừa có cơ hội. Trách nhiệm chính là ở chỗ phải làm sao duy trì được đà phát triển của ASEAN. Những gì ASEAN đã đạt được Việt Nam cần phải phát huy, thúc đẩy xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn. Đồng thời, điều quan trọng là Việt Nam phải dẫn dắt để ASEAN không những vững mạnh về mặt nội bộ mà còn phải tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực, đóng góp vào tiến trình phát triển chung cũng như sự quan tâm của toàn thế giới.
25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn là quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển ASEAN. Năm 2010, khi lần đầu tiên đảm nhận Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã điều phối khối ASEAN thành công trên tất cả các lĩnh vực, được các nước thành viên và các đối tác đánh giá cao. Lần thứ hai đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam tiếp tục phát huy những thành tựu mà ASEAN đã đạt được, thúc đẩy hợp tác nội khối và nâng cao vị thế ASEAN với bên ngoài. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Uỷ ban quốc gia ASEAN Việt Nam 2020, tự tin nhấn mạnh: “Sau 10 năm, bản thân đất nước chúng ta đã trưởng thành lên rất nhiều, kể cả về vị thế tầm vóc, đặc biệt nữa là chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm để tổ chức hội nghị như thế này. Uy tín Việt Nam cũng ngày càng cao, nhận được sự tin cậy, ủng hộ của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”.
Đối với Việt Nam, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN không chỉ ở khía cạnh chuyên môn mà còn ở năng lực tổ chức. Với những kinh nghiệm sẵn có và tinh thần nỗ lực, Việt Nam sẵn sàng thể hiện năng lực và phát huy vai trò dẫn dắt của mình, dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này.