Sau gần 6 năm (2018-2023) thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã và đang được đẩy lùi. Đó sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam sớm gỡ được “thẻ vàng” đối với thủy sản, sau khi EC thực hiện vòng kiểm tra thứ 4, trong các ngày từ 10-18/10, tại Việt Nam.
Kiểm ngư kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá đánh bắt trên biển. Ảnh: TTXVN |
Đoàn thanh tra của EC thực hiện kiểm tra kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) từ lần thanh tra thứ 3. Hoạt động thanh tra tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Một chặng đường nỗ lực nhiều kết quả
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các các quy định của pháp luật gắn với khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, Phùng Đức Tiến nêu rõ: “Tập trung quyết liệt để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, điều này có ý nghĩa quan trọng và quyết định. Về truy xuất nguồn gốc, chúng ta phải đảm bảo được sản lượng khai thác ở các khu vực, các địa phương đều phải quán triệt truy xuất được nguồn gốc, từ ghi sổ nhật ký, đến vùng khai thác, kinh độ, vĩ độ, đưa cá vào cảng đều phải rất rõ nguồn gốc và khi xuất khẩu sang các thị trường của Châu Âu thì đều có hồ sơ từ khai thác đến thị trường”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, Phùng Đức Tiến. Ảnh: TTXVN |
Để có cơ sở pháp lý thực hiện các khuyến nghị của EC, ngay từ năm 2019, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý cơ bản, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU. Tiếp đó,Việt Nam đã rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý phù hợp thực tiễn nghề cá Việt Nam và quy định quốc tế theo khuyến nghị của EC, bao gồm: Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (2019); Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản (2019). Việt Nam cũng đã ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và chống khai thác IUU để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021.
Đến nay, đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng, theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017. Phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase cũng đã được triển khai tại 31 tỉnh, thành phố có tàu tham gia khai thác hải sản, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý khai thác thủy sản, trong đó thông tin dữ liệu tàu cá về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã được các địa phương cập nhật, khai thác thường xuyên trên phần mềm.
Tiếp tục xử lý tốt những khuyến nghị của EC
Với quyết tâm cao gỡ cảnh báo “thẻ vàng” thuỷ sản của EC, thời gian qua cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt vào cuộc khẩn trương thực thi pháp luật về chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp và triển khai các giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại theo khuyến nghị của EC. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết: “Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia chống khai thác (IUU) đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra và chỉ đạo, đôn đốc rất liên tục. Về phía Thường trực Ban chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp đã đi đến những địa phương còn vi phạm để chỉ đạo trực tiếp. Qua các cuộc kiểm tra cho thấy cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đều vào cuộc, quyết liệt chấn chỉnh những vi phạm, quyết tâm gỡ thẻ vàng”.
Hiện, Việt Nam đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 97,65% (28.780 tàu cá). Hệ thống giám sát tàu cá được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển. Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đã thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT.
Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu. Việt Nam cũng đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” bằng những quy định pháp luật đầy đủ, những cam kết mạnh mẽ và nhiều giải pháp cụ thể từ Trung ương đến địa phương không chỉ lấy lại uy tín của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế mà còn hướng tới phát triển nghề cá Việt Nam hiện đại và bền vững.