Việt Nam nỗ lực khống chế dịch Covid - 19

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Để tiếp sức Đà Nẵng dập dịch, nhiều địa phương nhanh chóng hỗ trợ nhân lực và vật lực cho thành phố miền Trung này. 

Sau 99 ngày không xuất hiện các ca mắc Covid - 19 trong cộng đồng, ngày 25/7 vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng và sau đó là rải rác ở một số tỉnh, thành khác. Hệ thống phòng chống dịch từ TW đến địa phương được kích hoạt trở lại với tinh thần dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch” và các khu vực nguy cơ cao. Những tỉnh, thành khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển.

Việt Nam nỗ lực khống chế dịch Covid - 19 - ảnh 1

Lực lượng chức năng thực hiện khử trùng, tiêu độc tại Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: qdnd.vn

Giai đoạn mới của dịch diễn biến phức tạp, lây lan nhanh ra một số địa phương, trong đó có các đô thị lớn. Việc dịch xuất hiện ở các bệnh viện tại Đà Nẵng là lời cảnh báo rằng điểm xung yếu nhất phải được canh giữ cẩn trọng nhất. 

Dồn lực khoanh vùng, chống dịch

Với tinh thần quyết không để làn sóng dịch bệnh thứ hai xảy ra ở Việt Nam, ngay khi dịch bùng phát, Thành phố Đà Nẵng đã được khoanh vùng. Các tổ hợp bệnh viện, dân cư xung quanh, quán hàng ăn, cơ sở dịch vụ được truy vết để kiểm soát chặt chẽ. Bộ Y tế đã cử đoàn công tác nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn, đi kèm là đội điều trị dày dặn kinh nghiệm dập dịch Covid – 19, tới Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: "Chúng tôi tiến hành cách ly, tiêu độc khử trùng dập dịch ở ba cụm bệnh viện: Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình phục hồi chức năng và một số điểm ghi nhận ca mắc cộng đồng. Tiến hành phong toả tất cả các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, các địa phương phát hiện trường hợp lây nhiễm. Phối hợp với Bộ TT&TT nhắn tin cho tất cả các trường hợp có tiếp xúc, đã từng đến Đà Nẵng. Huy động hơn 1.000 người là sinh viên trường y, các trường quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch ở Đà Nẵng. Tình hình, hiện nay đang ở trong tầm kiểm soát rất tốt, truy vết rất quyết liệt, không để dịch lây lan trên diện rộng".

Để tiếp sức Đà Nẵng dập dịch, nhiều địa phương nhanh chóng hỗ trợ nhân lực và vật lực cho thành phố miền Trung này. Thành phố Hải Phòng cử 33 y bác sĩ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM gửi đội phản ứng nhanh thứ 5, Hà Nội hỗ trợ tiền cùng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn... cho Đà Nẵng. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: "Tinh thần là có giải pháp mạnh nhất chủ động ứng phó, dập tắt dịch…Riêng với TP. Đà Nẵng hay các tỉnh có dịch, Thủ tướng chỉ đạo bổ sung lực lượng y tế, nhân viên, tăng máy xét nghiệm cho Đà Nẵng; đặc biệt, làm nhanh truy vết, xét nghiệm để ngăn nguồn lây nhiễm. Các vấn đề khác như  trang thiết bị, hỗ trợ khác, Thủ tướng đã chỉ đạo hỗ trợ tuyệt đối cho các tỉnh có dịch".

Việt Nam nỗ lực khống chế dịch Covid - 19 - ảnh 2

Thành phố Hải Phòng cử đoàn cán bộ y tế chi viện cho thành phố Đà Nẵng (Ảnh minh hoạ). Nguồn: danang.gov.vn

Không chỉ riêng Đà Nẵng chống dịch Covid - 19, nhiều địa phương trong đó có Hà Nội và TPHCM tạm dừng một số hoạt động tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, karaoke. Đây là những động thái rất tích cực và có kinh nghiệm của các địa phương trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Quyết liệt nhưng không để tê liệt

Trong khi dồn sức dập dịch ở Đà Nẵng, chính phủ Việt Nam cũng xác định cần duy trì phát triển kinh tế. Do đó, đối với các địa phương không có lây nhiễm tại cộng đồng, thì thực hiện khoanh trong phạm vi bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại và kiểm soát phòng chống dịch, đảm bảo mục tiêu các hoạt động kinh tế xã hội được bình thường. Các chỉ đạo về khoanh vùng chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ đã được triển khai khá đồng bộ ở các địa phương. Đến nay, Việt Nam đã không áp dụng cách ly xã hội trên toàn quốc như đợt dịch giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5.

Về giao thông vận tải, hiện mới có sân bay Đà Nẵng và các bến xe khách đường dài tại thành phố này đóng cửa đối với hoạt động vận tải hành khách. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt (đợt 1 vào các ngày 8 – 10/8 cho những thí sinh không phải cách ly, đợt 2 sẽ thi vào thời điểm thích hợp dành cho thí sinh thuộc nhóm F1, F2 cùng với thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam) cũng cho thấy thêm một nỗ lực duy trì các "hoạt động kinh tế xã hội diễn ra bình thường" ở Việt Nam.

Kinh nghiệm và thành công chống dịch Covid - 19 trong đợt đầu là yếu tố thuận lợi để Việt Nam có thể ứng phó hiệu quả với lần bùng phát này. Song song với đó, Việt Nam vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Feedback