Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh (tháng 11/2021). Những nỗ lực của Việt Nam cũng đã nhận được đánh giá tích cực của dư luận quốc tế.
Ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Đây là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi người dân. Chính phủ Việt Nam xác định, trong mọi hoạt động phải lấy người dân là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện.
Những hành động cụ thể
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Ngay sau COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác. Phát biểu tại phiên thứ nhất Ban Chỉ đạo (trung tuần tháng 1/2022), Thủ tướng nhấn mạnh: "Đã làm phải có hiệu quả. Hiệu quả mang lại cho nhân dân, cho đất nước. Lấy cái cấp cơ sở làm nền tảng để chúng ta triển khai các chương trình. Phải kết hợp hài hòa hiệu quả, hợp lý giữa chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực của Nhà nước và tư nhân thì chúng ta mới làm được".
Chính phủ Việt Nam cũng đã rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để tranh thủ hợp tác về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại Hội nghị COP26. Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết; tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo…
Đầu tháng 01/2022, Bộ Tài nguyên và môi trường công bố Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất. Đây là nguồn tài liệu quan trọng để các bộ, ngành và địa phương, hỗ trợ các nhà quản lý, người dân hiểu rõ hơn đặc điểm, hiện trạng, mức độ thay đổi của khí hậu trên toàn quốc; nhận định về những nỗ lực, thành quả và thiếu hụt trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam; khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch và các kế hoạch hoạt động cho phát triển.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. So với Chiến lược trước đó chỉ tập trung vào hiệu quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiêu chí xác định các biện pháp giảm nhẹ lần này là dựa trên xu thế phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, từ đặc thù các ngành/lĩnh vực có tiềm năng giảm nhẹ, có xem xét các rủi ro, thách thức tiềm năng và ưu tiên tận dụng công nghệ có sẵn, dự kiến trong nước và quốc tế.
Đồng hành cùng cộng đồng quốc tế
Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam tiếp đón và làm việc với các phái đoàn quốc tế như ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 và ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu (EC) và mới đây nhất là Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry. Điều này là minh chứng sống động cho sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam sau Hội nghị COP26.
Ấn tượng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết COP26, ông Alok Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26, cho rằng có những cơ hội rất lớn ở Việt Nam khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng cũng là nước chịu rủi ro lớn từ biến đổi khí hậu. Ông nhận thấy phương án tiếp cận tổng thể từ Chính phủ và thấy ấn tượng trước việc Thủ tướng đã nhanh chóng triển khai Ủy ban quốc gia và đích thân đứng đầu ủy ban này. Điều này mang lại lòng tin lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Chia sẻ về vấn đề năng lượng tái tạo, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho rằng: "Biến đổi khí hậu không phân biệt ranh giới giữa các quốc gia. Chính vì vậy với kịch bản nếu như nóng lên toàn cầu tăng 2oC thì 40% của ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng. Và như vậy thì nó sẽ tác động tới 17 triệu người/17 triệu sinh kế sẽ bị tác động bởi biển đổi khí hậu đó, cũng sẽ tổn hại về kinh tế nữa. Như vậy nếu chúng ta không làm gì thì sẽ còn tổn hại cao hơn rất nhiều so với những chi phí mà chúng ta bỏ ra khi hành động...Chúng tôi rất tán đồng và vui mừng khi Việt Nam chia sẻ về việc tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo để hướng tới mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn năng lượng chính của Việt Nam".
Ông John Kerry, đặc phái viên Tổng thống Mỹ, trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, cũng đánh giá rằng Việt Nam đã đặt ra những cam kết rất quan trọng, và Chính phủ Việt Nam cũng đang rất nỗ lực để đạt được những mục tiêu này. Hoa Kỳ rất trông chờ để có thể hợp tác với Việt Nam và giúp Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi này.
Việc Việt Nam chủ động, tích cực triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Điều này cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển của Việt Nam theo hướng hài hòa, bền vững, toàn diện.