Việt Nam khẳng định vị thế tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam vừa kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (2014-2016).

(VOV5) - Việt Nam vừa kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (2014-2016). Dù là một thành viên mới song Việt Nam luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong các công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, vấn đề lương thực, sức khỏe, nước sạch…vốn là những vấn đề của các nước đang phát triển. Bài viết của biên tập viên Thu Hoa nhan đề “ Việt Nam khẳng định vị thế tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc”.


Việt Nam khẳng định vị thế tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc - ảnh 1
Đoàn Việt Nam gặp gỡ các đại biểu tham dự phiên họp lần thứ 18 về UPR tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: tgvn.com.vn


Tháng 3/2014, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, lần đầu tiên tham gia phiên họp cấp cao của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, mở đầu một năm hoạt động tích cực của Việt Nam trên cương vị thành viên của tổ chức này. Chỉ trong một năm, Việt Nam đã tham gia hàng trăm cuộc họp chính thức và các cuộc tham vấn ở Hội đồng Nhân quyền; thương lượng, bỏ phiếu gần 200 nghị quyết, quyết định liên quan đến các khía cạnh khác nhau của quyền con người.

  Nghiêm túc, chủ động thực hiện các cơ chế đa phương, song phương về quyền con người

Thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng là lúc Việt Nam chuẩn bị báo cáo về Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ hai. Với sự kiện này, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia luôn nghiêm túc trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, luôn lắng nghe, tiếp thu đóng góp của bạn bè quốc tế và luôn nỗ lực hết mình để người dân được hưởng ngày càng tốt hơn các khía cạnh của quyền con người.Việt Nam còn chủ động tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương liên quan đến quyền con người như: Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Địa vị phụ nữ (thuộc Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc), Tổ chức Lao động quốc tế… Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng thể hiện vai trò tích cực trong Cơ quan nhân quyền quốc gia ASEAN (AICHR) khi chủ trì tổ chức một hội thảo của AICHR tại Hà Nội. Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai hội thảo không chính thức về quyền con người, với chủ đề "Doanh nghiệp và quyền con người”.

Việt Nam khẳng định vị thế tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc - ảnh 2
Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng về bảo đảm quyền của người dân.
Ảnh: baodientuchinhphu.vn


Cùng với các cơ chế đa phương, cơ chế đối thoại song phương về quyền con người tiếp tục được Việt Nam triển khai hiệu quả trong năm qua, trong đó nổi bật là đối thoại với Mỹ, Australia, Thụy Sỹ. Cho dù vẫn có những khác biệt, song các cuộc đối thoại đều diễn ra với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, giúp tăng cường hiểu biết và hỗ trợ quá trình xây dựng niềm tin giữa Việt Nam và các quốc gia có cùng mối quan tâm.

 Đảm bảo quyền con người trên mọi khía cạnh

Song song với việc tích cực thực thi trách nhiệm là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả rõ ràng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, cũng như việc thực thi quyền con người trên thực tế. Năm 2014, Việt Nam đã lần đầu tiên triển khai Hiến pháp 2013 với một chương riêng về quyền con người. Năm 2014 cũng đánh dấu mốc quan trọng về việc tham gia, thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, khi Quốc hội khóa 13 phê chuẩn việc tham gia Công ước chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật và Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội hồi tháng 11/2014. Đáng nói hơn là bất chấp những khó khăn khách quan về kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng về bảo đảm quyền con người trên mọi khía cạnh, từ xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đến nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Theo đó, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân được đáp ứng sôi nổi và đa dạng thông qua những sự kiện như Đại lễ Phật đản - Vesak Liên Hợp Quốc, ngày Thiên Chúa giáng sinh, cũng như tại các lễ hội truyền thống trên khắp các vùng miền cả nước. Thêm nữa, sự phát triển mạnh mẽ của Internet ở Việt Nam đã tạo điều kiện để người dân ngày càng tích cực tham gia phản biện trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của các cấp chính quyền.

Thông qua các hoạt động và đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương, song phương liên quan đến quyền con người trong năm 2014, Việt Nam đã thể hiện là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Kết quả nổi bật trong việc thực thi quyền con người của Việt Nam trên thực tế cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Những kết quả này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp Việt Nam tạo được hình ảnh đẹp về một quốc gia thành công trong việc thực thi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về quyền con người, trong đó có vấn đề giáo dục, y tế, bình đẳng giới, lao động, hỗ trợ người dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo./.

Feedback