Việt Nam - Kazakhstan thúc đẩy quan hệ song phương

Hồng Vân tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Kazakhstan là kênh quan trọng trong thúc đẩy quan hệ song phương.

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan do Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin dẫn đầu, hôm nay thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm kéo dài đến ngày 15/11, thể hiện mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo hai nước nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống.

Việt Nam - Kazakhstan thúc đẩy quan hệ song phương - ảnh 1 Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin. - Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Kazakhstan, một đất nước rộng lớn nằm ở Tây Á, có tiềm năng rất lớn về hợp tác kinh tế, vận chuyển hàng hóa.

Việt Nam - Kazakhstan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 27 năm nhưng trên thực tế, hai nước đã có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống hơn 70 năm, từ thời kỳ Liên Xô trước đây.

Thúc đẩy ngoại giao nghị viện

Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Kazakhstan là kênh quan trọng trong thúc đẩy quan hệ song phương. Thời gian qua, mối quan hệ này được vun đắp thông qua chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan K.Dzhakupov năm 2015, chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2017 cũng như chuyến tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ 4 tại Kazakhstan của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng vào tháng 9 vừa qua. Bên cạnh đó, lãnh đạo Quốc hội hai bên cũng có nhiều cuộc gặp song phương bên lề các sự kiện quốc tế lớn như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 140 ( tháng 4/2019); cùng phối hợp giám sát các thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký, trao đổi thông tin về hoạt động nghị viện mỗi nước.

Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin từng nhiều lần khẳng định Kazakhstan rất quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện với Quốc hội Việt Nam, khẳng định hạ viện Kazakhstan sẽ hỗ trợ chính phủ hai nước thúc đẩy hợp tác kinh tế thông qua cơ chế hợp tác của Ủy ban liên nghị viện giữa hai nước, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ sớm ký bản ghi nhớ (MOU) hoặc một thỏa thuận hợp tác song phương.

Tăng cường hợp tác kinh tế

Dịp này, lãnh đạo Việt Nam và Kazakhstan cũng sẽ đề cập các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế. Việc Việt Nam và Kazakhstan đều là thành viên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu là điều kiện thuận lợi để 2 nước tăng cường trao đổi thương mại. Trong chuyến thăm Kazakhstan năm 2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Hai bên cần tranh thủ ưu đãi thuế quan mà Hiệp định mang lại để tiếp túc đẩy mạnh trao đổi thương mại giữa 2 nước. Việt Nam tăng xuất khẩu sang Kazakhstan những mặt hàng như gạp, sao su, cà phê, máy móc thiết bị và nhập khẩu từ Kazakhstan kim loại, sắt thép và các mặt hàng khác”.

Với dân số lên tới 94 triệu người, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm nông nghiệp của Kazakhstan, trong khi Việt Nam có thể xuất khẩu thủy sản và hoa quả nhiệt đới sang Kazakhstan. Điều này cho thấy thị trường hai nước có mối quan hệ tương hỗ, thay vì cạnh tranh. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), đánh giá: “Hàng hóa Việt Nam được chào đón rất tốt ở thị trường liên minh kinh tế Á – Âu, trong đó có Kazakhstan. Tuy nhiên Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chế biến sau thu hoạch. Với những biện pháp đồng bộ thì hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, sẽ đứng vững ở thị trường này”.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan - Châu Âu được đưa vào vận hành năm 2018 cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế giữa hai nước nói riêng và châu Âu nói chung.

Mối quan hệ song phương giữa Việt Nam – Kazakhstan được tạo dựng trên cơ sở đồng thuận và nhất quán đối với nhiều vấn đề lớn mang tính toàn cầu cũng như dựa trên các chuyến thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai nước. Vì vậy chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin chắc chắn sẽ góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước, thúc đẩy hợp tác song phương phát triển lên một tầm cao mới.

Feedback