Việt Nam hướng tới thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Trong bối cảnh huy động các nguồn vốn từ bên ngoài như vốn ODA đang giảm dần, nguồn vốn đầu tư gián tiếp chưa ổn định, thì trong thời gian tới, FDI tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

Chính sách mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam là một trong những quyết định đúng đắn, chính xác và kịp thời, làm thay đổi nền kinh tế đất nước. Thực tiễn thu hút FDI chứng tỏ khu vực này ngày càng giữ vị trí quan trọng, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong bối cảnh huy động các nguồn vốn từ bên ngoài như vốn ODA đang giảm dần, nguồn vốn đầu tư gián tiếp chưa ổn định, thì trong thời gian tới, FDI tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

Việt Nam hướng tới thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao   - ảnh 1

Những toà nhà cao tầng tại Hà Nội - một trong các địa phương dẫn đầu thu hút FDI sau 30 năm - Ảnh: Anh Tú

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào tháng 12/1987, cho đến nay, Việt Nam đã trải qua quá trình hơn 30 năm thu hút nguồn vốn FDI. Có thể nói, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tình hình mới, đòi hỏi Việt Nam cần có hướng đi mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao: xu hướng tất yếu

Qua hơn 30 năm đổi mới, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đạt được có sự đóng góp quan trọng của FDI. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Tổng kết 30 năm thu hút FDI, nhìn về phía trước cho thấy Việt Nam cần phải có chính sách để khắc phục được những tồn tại, hạn chế. Hơn nữa, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới. Đó là chuyện quy mô dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm, các hình thức và phương thức đầu tư phi truyền thống có xu hướng gia tăng. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chống tự do hóa thương mại đa phương cũng đang làm thay đổi xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Và đặc biệt, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người…

Tất cả những yếu tố này buộc Việt Nam phải có định hướng thu hút FDI giai đoạn mới. Đó là thu hút FDI phải gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh; gắn với quá trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, với cách mạng công nghiệp 4.0; cũng như gắn kết với doanh nghiệp trong nước, tạo sức lan tỏa đến nền kinh tế; tập trung hơn vào các dự án công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên môi trường, giảm phát thải khí nhà kính… Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Mục tiêu tổng quát trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới là tập trung ưu tiên một số ngành công nghiệp cao, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0, hình thành các cụm liên kết ngành".

Những biện pháp cụ thể

Trước hết, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dựa án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế. Nhà nước cũng sẽ có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh, đưa doanh nghiệp lên ngang tầm với các doanh nghiệp nước ngoài thì mới liên kết được với nhau, nếu còn chênh lệch thì sẽ không thể thiết lập được sự gắn kết nào.

Việt Nam hướng tới thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao   - ảnh 2

Ông Michael Kelly,Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ảnh: Tienphong.vn

Thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và trong nước là hướng đi quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nền kinh tế, đặc biệt khi cuộc cách mạng 4.0 đã và đang làm thay đổi phương thức sản xuất trên toàn thế giới theo hướng tự động hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo ... vào sản xuất –kinh doanh và dịch vụ ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Ông Michael Kelly, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: "AmCham sẽ sớm cùng Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ ((USTR) triển khai dự án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam liên kết với hệ thống doanh nghiệp toàn cầu. Điều này giúp hệ thống doanh nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện từ trên xuống dưới và có sức lan tỏa tới nhiều quốc gia. Việt Nam có nhiều cơ hội tuyệt vời để phát triển  và AmCham sẽ nỗ lực để giúp Việt Nam".

Bên cạnh đó, cần sớm cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo bài bản, để sớm có được đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, quản lý công nghệ có những kỹ năng sát yêu cầu thực tế, ý thức đầy đủ về các vấn đề an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tự cải thiện, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, quản trị sản xuất, đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

Mặt khác, Việt Nam phải tập trung hơn nữa xây dựng mô hình vừa là nơi sản xuất vừa là nơi tiêu thụ  đồng thời, tăng cường năng lực tự cung cấp các nguyên vật liệu đầu vào để khơi dậy tiềm năng với vai trò là nhà đầu tư của ngành công nghiệp phụ trợ.

Thu hút đầu tư nước ngoài là sự cạnh tranh giữa các quốc gia có nguồn lực giới hạn và ở đâu có môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng, ổn định sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn FDI. Do vậy, việc Việt Nam xác định rõ mục tiêu thu hút FDI và triển khai các giải pháp trong thời gian tới sẽ là yếu tố quyết định để đất nước có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Feedback