Việt Nam - EU cùng phối hợp để Hiệp định tự do thương mại sớm về đích

Dũng-Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vào tháng 12/2015. 

Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đang trong giai đoạn rà soát pháp lý cuối cùng để có thể phê chuẩn vào đầu năm 2018. Hiện nay, cả 2 bên đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải quyết một số tồn tại để có thể phê chuẩn Hiệp định mà hai bên đã kết thúc đàm phán từ tháng 12/2015. Bài viết Việt Nam - EU cùng phối hợp để Hiệp định tự do thương mại sớm về đích của phóng viên Đài TNVN.

Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vào tháng 12/2015. Bên cạnh Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện đã đưa vào thực thi năm 2016, việc hai bên ký EVFTA thời gian tới sẽ là cột mốc quan trọng, đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới.

Ưu tiên của cả 2 bên

Kể từ thời điểm 2 bên tuyên bố kết thúc đàm phán FTA, đến nay, môi trường đầu tư ở Việt Nam đã cải thiện rõ rệt. Nhiều cải cách về pháp lý liên quan đến đầu tư cũng như việc đơn giản hóa thủ tục hành chính được ban hành đã tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng. Hiện nay Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường tạo thuận lợi thương mại đi liền với chống gian lận thương mại.

Việt Nam - EU cùng phối hợp để Hiệp định tự do thương mại sớm về đích - ảnh 1

Để triển khai các cam kết đối với lĩnh vực lao động-xã hội trong EVFTA, Việt Nam đang tích cực đẩy nhanh tiến độ sửa đổi bộ luật lao động. Theo dự kiến, bộ luật lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua trong năm 2018. Việc hoàn thiện luật có sự tham vấn các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trong nước ở một số nội dung cần sửa đổi. Song song với việc đẩy mạnh sửa đổi bộ luật lao động, Việt Nam sẽ tiếp tục  phê chuẩn 3 công ước quốc tế của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức, về tự do liên kết và thỏa ước lao động tập thể. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Việt nam luôn ưu tiên cao nhất trong việc hoàn tất cơ sở pháp lý, hướng tới ký kết và phê chuẩn hiệp định này. Việt Nam sẽ chủ động, tích cực phối hợp với EU đồng thời linh hoạt trong xử lý các tình huống phát sinh. Là thành viên ILO, Việt Nam khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các cam kết của mình. Trên cơ sở 8 công ước cốt lõi mà ILO đưa ra, hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn 5 công ước. 3 công ước còn lại chúng tôi đã có lộ trình phê chuẩn.

Việt Nam - EU cùng phối hợp để Hiệp định tự do thương mại sớm về đích - ảnh 2Đại diện doanh nghiệp và giới chức Việt Nam – EU tham dự hội thảo có chủ đề “Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam: Các vấn đề đối với doanh nghiệp châu Âu và tiến bộ cải cách tại Việt Nam” (VOV) 

 

Theo ông Mauro Petriccione, Trưởng đoàn đàm phán phía Liên minh châu Âu, thời gian qua hai phía Việt Nam và châu Âu đã đạt được một số bước tiến đáng chú ý và việc quan trọng bây giờ là tìm cách để giai đoạn về đích diễn ra nhanh chóng và suôn xẻ:Với Việt Nam, chúng tôi đang cố gắng nhanh nhất có thể để trong năm sau Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam sẽ có hiệu lực. Đây là một Hiệp định có chất lượng cao và là một trong những trụ cột trong chính sách thương mại của châu Âu hướng về khu vực châu Á. Chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị các hồ sơ pháp lý với phía Việt Nam, dịch các hồ sơ này ra các ngôn ngữ châu Âu để trình lên Hội đồng và Nghị viện châu Âu. Chúng tôi đã và đang làm những gì tốt nhất để các lý lẽ của chúng tôi được lắng nghe và để tiến trình này được thông qua nhanh nhất có thể.     

EU đánh giá tích cực những nỗ lực của Việt Nam

Thành viên ban lãnh đạo Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), ông Jean-Jacques Bouflet khẳng định Eurocham ủng hộ thiện chí của Việt Nam trong hiện đại hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, đồng thời khẳng định EVFTA một khi được thực thi sẽ trở thành công cụ hữu hiệu bảo vệ cho các doanh nghiệp hai bên đầu tư kinh doanh trên thị trường của nhau. Trong khi đó, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu, cho biết: Tôi sẽ thông báo cho các đồng nghiệp về lộ trình thời gian của Việt Nam trong việc sửa đổi những nội dung liên quan đến lao động – xã hội. Chúng ta sẽ duy trì liên lạc thảo luận với nhau hơn nữa và hy vọng rằng quá trình phê chuẩn ở phía nghị viện Châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng trong quá trình Việt Nam tiến hành các thủ tục nội bộ của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục ngoại vụ và địa phương thuộc Bộ Ngoại giao, nhận định: Chúng tôi đã gặp và làm việc với Nghị viện châu Âu, với các Uỷ viên châu Âu phụ trách nhiều mảng hợp tác với Việt Nam và họ đều rất ủng hộ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Đặc biệt là họ thấy rất được thuyết phục bởi các lập luận ủng hộ này đến từ chính các doanh nghiệp châu Âu, chính những công dân châu Âu đang sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng là trong thời gian tới, với các hoạt động ở cấp chính phủ, với các trao đổi mạnh mẽ hơn nữa thì Hiệp định EVFTA sẽ sớm được thông qua và sớm được triển khai, đáp ứng được mong mỏi, sự kỳ vọng và lợi ích của cả hai bên.

Với lộ trình đặt ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu sẽ được ký kết vào đầu năm 2018 và nghị viện châu Âu sẽ có 3 tháng để phê chuẩn. Quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của 2 bên trong giải quyết các vấn đề tồn đọng. Vì vậy, việc cả Việt Nam và EU đang có những bước đi tích cực để giải quyết một số vấn để mà EU quan tâm sẽ góp phần quan trọng để lộ trình trên được thực thi, mở ra dấu mốc hợp tác mới giữa Việt Nam và EU.

Feedback