Việt Nam có chủ quyền đầy đủ và không thể chối cãi với Hoàng Sa và Trường Sa

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Là nước lớn, Trung Quốc càng phải có trách nhiệm đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực

Việc Trung Quốc mới đây phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là "khu Tây Sa" và "khu Nam Sa" trực thuộc "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam, là hành vi nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với Hoàng Sa và Trường Sa từ rất lâu trong lịch sử.

Theo quyết định phi lý của Bộ Dân chính Trung Quốc, cái gọi là "khu Tây Sa" sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là "khu Nam Sa" sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các quyết định này của Trung Quốc hoàn toàn vô giá trị bởi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền hoàn toàn hợp pháp của Việt Nam.

Việt Nam có chủ quyền đầy đủ và không thể chối cãi với Hoàng Sa và Trường Sa - ảnh 1

Đại Nam nhất thống toàn đồ của tác giả Phan Huy Chú (1834) và Bản đồ Việt Nam do người phương Tây vẽ năm 1749 là một trong nhiều bằng chứng lịch sử chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bằng chứng lưu giữ trong sử sách và thực tế quản lý

Việt Nam đã có chủ quyền từ rất lâu đời đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật pháp quốc tế về việc xác lập và khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Hơn nữa, những bằng chứng về thực tế đó còn được lưu giữ trong sử sách của Việt Nam cũng như của Trung Quốc từ thời phong kiến và của một số nước ở châu Âu, như: Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…

Những tư liệu còn lại đến nay và chính sử rất đầy đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một là các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo là Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt Bình Sơn, phủ Quãng Ngãi. Hai là nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1844-1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)…, đều ghi nhận việc Nhà nước Việt Nam cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này.

Ngoài ra, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là năm 1816 khi vua Gia long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Trên thực tế, các chúa Nguyễn đều liên tục cử người ra cai quản, khai thác các đảo trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để thực thi chủ quyền và khai thác hai quần đảo. Từ năm 1884, Chính quyền Pháp ở Đông Dương đã tiếp tục thực hiện và củng cố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo.

Không thể nhận chủ quyền bằng vũ lực

Những chứng cứ trên đã chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, xét dưới góc độ luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc bằng việc chiếm đóng bất hợp pháp tại Hoàng Sa qua sự kiện sử dụng vũ lực năm 1974.

Đặc biệt, hành động vũ lực bất chính này không thể thiết lập cho Trung Quốc một chủ quyền hợp pháp tại Hoàng Sa. Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia Trần Duy Hải cho rằng: "Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam đã bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực thi quản lý và đồn trú trên quần đảo. Trung Quốc đã lợi dụng chiến tranh, tấn công lên lực lượng Việt Nam Cộng hòa đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa. Đấy là sự thực lịch sử. Việc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa không thể tạo ra chủ quyền cho Trung Quốc." 

Với mong muốn đóng góp tích cực cho hòa bình, phát triển trong khu vực, lấy đại cục trong quan hệ hai nước làm trọng, từ trước đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện phương châm giải quyết hòa bình qua con đường đối thoại. Nhưng ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã làm gì để “kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác” như tinh thần Thỏa thuận nguyên tắc 6 điểm giải quyết vấn đề Biển Đông được Việt Nam và Trung Quốc ký kết tại Bắc Kinh năm 2011?

Câu trả lời đã quá rõ. Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển nhấn mạnh: "Rõ ràng ngoài miệng thì phía Trung Quốc vẫn phát ngôn rằng tôn trọng luật pháp quốc tế nhưng trên hành động thực tế thì thấy rõ ràng không phải vậy. Dưới góc độ uy tín quốc tế, dước góc độ vị thế và trách nhiệm chính trị quốc tế thì rõ ràng Trung Quốc đã và đang đánh mất hình ảnh của mình. Và điều này công luận quốc tế cần phải biết.

Thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế là điều quan trọng nhất trong thế giới ngày nay đối với mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ. Là nước lớn, Trung Quốc càng phải có trách nhiệm đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, bao gồm việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Việc Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là "khuTây Sa" và "khuNam Sa" trực thuộc "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam, đang đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như chính những gì Trung Quốc đã nói, làm xói mòn lòng tin và tạo ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với khu vực và quốc tế.

Feedback