Việt Nam bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định cho hợp tác và phát triển

Vân Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có truyền thống nhân nghĩa và hòa hiếu. 

Ngày 21 tháng 9 hằng năm là Ngày Quốc tế Hòa bình. Đối với Việt Nam, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định cho hợp tác và phát triển vừa là nền tảng thiết yếu, vừa là đích đến cuối cùng vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng trên thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực. Không chỉ giữ gìn hòa bình cho quốc gia, Việt Nam luôn đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có truyền thống nhân nghĩa và hòa hiếu. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, đồng thời luôn tích cực vận động bạn bè, nhân dân trên khắp thế giới trân trọng, bảo vệ và nỗ lực kiến tạo thế giới hòa bình.

Truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước. Hòa bình luôn là mong ước, khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ấn Độ vào năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng mục tiêu của Người là “thúc đẩy hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trên toàn đất nước.”. Để thực hiện những nhiệm vụ này, “Việt Nam sẵn sàng hợp tác một cách chân thành với các tổ chức, cá nhân người Việt, những người ủng hộ các chính sách nói trên, bất kể niềm tin chính trị và tôn giáo của họ như thế nào".

Tiếp nối tư tưởng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định cùng chung tay đóng góp cho hoà bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại; mong muốn chấm dứt xung đột, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

 Việt Nam bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định cho hợp tác và phát triển - ảnh 1

Ảnh minh hoạ: VOV

Lãnh đạo Việt Nam cũng nhấn mạnh thông điệp về tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể; kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài. Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải. Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao về triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát triển ngành ngoại giao, ngày 29/8 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: Mục tiêu cao nhất của hoạt động đối ngoại thời đại mới đó là đảm bảo cao nhất lợi ích dân tộc vì Đảng vững mạnh vì nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh có vị trí, vai trò quan trọng trong nền chính trị kinh tế toàn cầu, văn minh nhân loại vì ấm no hạnh phúc của nhân dân. Ngoại giao Việt Nam phải bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc phụng sự nhân dân phấn đấu vì hòa bình độc lập Dân tộc dân chủ tiến bộ xã hội của sự phát triển phồn vinh của các dân tộc trong khu vực, thế giới. 

Việt Nam: nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới

Ngày nay, hòa bình không chỉ bao hàm độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia mà còn là môi trường bền vững, an ninh con người, xã hội công bằng, hòa thuận, lối sống nhân văn. Gần 50 năm là thành viên của Liên hợp quốc (1977 - 2024), Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này, trong đó 2 lần  đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…..Những thành quả này đã khẳng định vai trò và tiếng nói của Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong việc góp phần vào hòa bình, ổn định của thế giới. Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng: Trong các cơ quan LHQ, chỉ có Hội đồng Bảo an (HĐBA) được trao nhiệm vụ giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Cũng chỉ có các quyết định của Hội đồng Bảo an mới có tính ràng buộc với tất cả các thành viên. Hầu hết các nước có đủ năng lực đều muốn đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Bảo an. Tham gia hoạt động của HĐBA, Việt Nam đã đóng góp tiếng nói rất tích cực vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh thế giới. Đồng thời, làm tốt vai trò Chủ tịch. Tất cả những đóng góp đó đều được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao.

Hòa bình luôn là mong ước, là khát vọng thường trực và hiện hữu của nhân loại, là đích đến trong mọi hành trình và là sợi dây để kết nối toàn cầu. Việc Việt Nam nhất quán chủ trương bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định cho hợp tác và phát triển, đồng thời có những đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới đúng như đánh giá của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres: Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Feedback