Viện dẫn Công thư 1958 để hợp thức hóa yêu sách chủ quyền là sai trái

Nguyễn Toàn Thắng
Chia sẻ
(VOV5) - Nội dung Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thể hiện thái độ chính trị và quan hệ giữa chính phủ VNDCCH với Trung Quốc, khẳng định sự “ghi nhận và tán thành” của chính phủ VNDCCH đối với tuyên bố chiều rộng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc mà tuyệt đối không từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(VOV5) - Cùng với việc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc liên tục diễn giải sai lệch nội dung Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Công thư 1958) để cho rằng Việt Nam công nhận Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội, tiếp cận công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ góc độ pháp lý quốc tế, để chỉ ra rằng Trung Quốc đã hoàn toàn sai trái khi lợi dụng Công thư này để yêu sách chủ quyền.

Viện dẫn Công thư 1958 để hợp thức hóa yêu sách chủ quyền là sai trái - ảnh 1
Theo ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958

Ngày 4/9/1958, Chính phủ Trung Quốc đơn phương đưa ra tuyên bố về lãnh hải trong bối cảnh Hội nghị luật biển lần thứ nhất của Liên hợp quốc không đạt được thỏa thuận về việc xác định chiều rộng lãnh hải giữa các quốc gia nên mỗi quốc gia đơn phương đưa ra những yêu sách khác nhau, trong đó Mỹ yêu cầu lãnh hải có chiều rộng là 3 hải lý, các nước khác tuyên bố 4,5 hải lý, còn Trung Quốc đưa ra quan điểm là 12 hải lý. Ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Công thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc), trong đó khẳng định “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”….   


Suy diễn lệch lạc, không phù hợp với Luật quốc tế

Suy diễn về Công thư 1958, phía Trung Quốc cho rằng: Trong Tuyên bố lãnh hải 1958, Trung Quốc đã nêu rõ phạm vi 12 hải lý lãnh hải áp dụng đối với tất cả các đảo của Trung Quốc, bao gồm quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam); Công thư 1958 đã “ghi nhận và tán thành” quyết định về hải phận của Trung Quốc nên đó là sự thừa nhận và tán thành chủ trương lãnh thổ của Trung Quốc, bởi vì chủ trương về lãnh hải có gốc là chủ quyền lãnh thổ. Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng chỉ ra rằng Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc là tuyên bố về lãnh hải, tức là tuyên bố về vùng biển, không phải là tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ. Bức Công thư 1958 nêu rõ sự ghi nhận và tán thành chiều rộng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố là 12 hải lý; vì vậy không thể đồng nhất việc tán thành chiều rộng lãnh hải với sự thừa nhận chủ quyền lãnh thổ. Song song đó, vấn đề lãnh thổ và tuyên bố thiết lập vùng biển là hai vấn đề khác biệt. Việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập chiều rộng lãnh hải đối với tất cả các đảo thuộc về Trung Quốc không cho phép kết luận Trung Quốc có chủ quyền đối với tất cả những đảo đó.

Mặt khác, Tuyên bố lãnh hải 1958 không cho phép khẳng định Trung Quốc có chủ quyền trên các đảo mà Trung Quốc yêu sách; do vậy, không thể suy đoán vì Trung Quốc tuyên bố lãnh hải đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc lãnh thổ Việt Nam) nên họ có chủ quyền đối với những đảo này. Theo quy định của Luật quốc tế, Tuyên bố này chỉ ràng buộc Trung Quốc mà không đương nhiên có hiệu lực và ràng buộc các quốc gia khác. Với tính chất là tuyên bố đơn phương, Trung Quốc có thể đưa ra yêu sách đối với các đảo đang là đối tượng tranh chấp với những quốc gia khác; nhưng tuyên bố đó không tạo ra cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền đối với những đảo này. Theo nguyên tắc đất thống trị biển, lãnh hải được thiết lập từ lãnh thổ đất liền hoặc đảo; nhưng tuyên bố đơn phương về thiết lập lãnh hải không trao cho quốc gia tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, Tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về thiết lập lãnh hải đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không tạo ra danh nghĩa chủ quyền cho Trung Quốc và không có hiệu lực đối với Việt Nam; hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vĩnh viễn là một bộ phận lãnh thổ Việt Nam.


Công thư 1958 không từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Trên thực tế và về phương diện pháp lý, vào thời điểm năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền với đường ranh giới tạm thời là vĩ tuyến 17. Cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng cho tình thế này là Hội nghị Gieneva về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và Hiệp định Gieneva ký kết ngày 21/7/1954. Trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, các bên tham gia cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam song căn cứ vào hoàn cảnh thực tế trước mắt, chính phủ VNCH tạm thời quản lý phần lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở về phía Nam; chính phủ VNDCCH tạm thời quản lý phần lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc. Trên cơ sở quy định của Hiệp định Gieveva, chính phủ VNCH đã tiếp tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thông qua các văn bản quản lý hành chính cũng như các hoạt động thực thi chủ quyền trên thực tế. Đó là lý do tại sao hải quân của VNCH đã quyết liệt chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống lại sự xâm lược của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Và do chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật quốc tế, sự hiện diện hiện nay của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa không làm phát sinh danh nghĩa chủ quyền đối với Trung Quốc.

Trong bối cảnh lịch sử như vậy, sau Hiệp định Gieneva năm 1954, chính phủ VNDCCH tạm thời quản lý phần lãnh thổ phía bắc vĩ tuyến 17 nên không có thẩm quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía nam vĩ tuyến 17. Do đó, Công thư 1958 chỉ có hiệu lực đối với nội dung đề cập trong văn bản và chỉ liên quan đến những vấn đề thuộc thẩm quyền của chính phủ VNDCCH. Nội dung Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thể hiện thái độ chính trị và quan hệ giữa chính phủ VNDCCH với Trung Quốc, khẳng định sự “ghi nhận và tán thành” của chính phủ VNDCCH đối với tuyên bố chiều rộng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc mà tuyệt đối không từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

Feedback