Đây là một sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, cũng như những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề cải tổ và phát triển của Liên Hợp Quốc.
Với 157 trên tổng số 193 phiếu bầu, Việt Nam đã trúng cử vào vị trí thành viên Uỷ ban Luật thương mại quốc tế nhiệm kỳ 2019-2025. Việc Việt Nam trúng cử vào một trong những cơ chế quan trọng nhất của Liên Hợp quốc đã chứng tỏ uy tín và sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong các diễn đàn đa phương.
Lá cờ Liên Hiệp Quốc. Ảnh nguồn TTXVN |
Chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập
Uỷ ban Luật thương mại quốc tế là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Liên hợp quốc, được thành lập từ năm 1966, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế. Chính vì vậy, việc Việt Nam trở thành thành viên của Uỷ ban này có một ý nghĩa rất lớn đối với quá trình hội nhập và hoạch định chính sách của đất nước.
Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên Uỷ ban Luật thương mại quốc tế xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, vận dụng và tham gia phát triển pháp luật quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đóng góp vào thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam, khu vực cũng như toàn thế giới.
Chia sẻ về chặng đường ứng cử, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết: "Sau khi quyết định ứng cử, chúng ta đã xây dựng những nội dung, nghiên cứu kỹ chức năng nhiệm vụ hoạt động của Ủy ban luật thương mại quốc tế. Đồng thời nhìn vào thực tế của chính chúng ta khi tiến hành và thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế, trong đó có vấn đề chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế trong đó có luật thương mại và đầu tư. Trên cơ sở đó, chúng ta có sự điều phối chung, có sự phối hợp giữa các bộ ngành, trong đó Bộ ngoại giao là đầu mối chung, trao đổi vận động ở các nước."
Từ "tham gia tích cực" sang “chủ động, đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc tham gia vào các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp quốc, như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Từ năm 2016, Việt Nam bắt đầu bước vào sân chơi chung về luật pháp của Liên Hợp quốc thông qua việc Việt Nam đã trúng cử đại diện tại Uỷ Ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc với đại diện là Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao. Khi tham gia vào sân chơi này, Việt Nam đã có cơ hội đóng góp tiếng nói vào việc định hình và xây dựng hệ thống luật lệ toàn cầu. Và nay, với việc trúng cử Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2022, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trong các vấn đề “nóng” của toàn cầu.
Các bác sỹ quân y Việt Nam giương cao hai lá cờ của Liên hợp quốc và Việt Nam, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Ảnh TTXVN
|
Theo khẳng định của Thứ trưởng Lê Hoài Trung, không chỉ đóng góp tiếng nói vào xây dưng hệ thống luật thương mại quốc tế, phù hợp với lợi ích của Việt Nam và thế giới, thông qua cơ chế này, Việt Nam cũng tranh thủ được kinh nghiệm, tranh thủ tri thức để hoàn thiện hệ thống luật kinh tế trong nước đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam: "Đây là cơ chế quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng văn kiện pháp lý trong thương mại quốc tế. Rõ ràng đây là dịp để Việt Nam trực tiếp tham gia, vừa đóng góp lợi ích chung vừa đảm bảo lợi ích riêng của mình trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Ví dụ như vấn đề giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư với nhà nước và chính phủ như nào. Rõ ràng đây là vấn đề liên quan sát sườn tới chúng ta."
Việc Việt Nam giành được số phiếu cao vượt qua các nước có nhiều kinh nghiệm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương để trúng cử vào vị trí thành viên Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, khẳng định rằng cộng đồng quốc tế đã nhìn nhận về thành tựu của Việt Nam trong quá trình đổi mới, nhìn nhận về những nỗ lực cải cách và đặc biệt là mức độ cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến thương mại và đầu tư. Trên hết, với kết quả này cũng thể hiện các nước đánh giá cao vị thế quốc tế của Việt Nam, không chỉ về chính trị mà cả kinh tế.