Ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều các tập đoàn lớn trong ngành vi mạch bán dẫn đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan,....

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Khoá 79, ngày 22/9, ở New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện. Thực tế, Việt Nam đang tập trung ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, coi đây là lựa chọn chiến lược, để bứt phá, phục vụ tiến bộ xã hội.

Ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá  - ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đang ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Lựa chọn chiến lược

Phát biểu tại toạ đàm về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI ngày 22/9, ở New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh rằng Việt Nam xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ. Đây là 1 trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội đất nước: “Về 3 đột phá chiến lược thể chế hạ tầng phát triển nguồn nhân lực chúng tôi tập trung chính vào là chuyển đổi số dựa vào phát triển khoa học công nghệ cao. Ví dụ như về thể chế hoàn thiện thể chế trong nền kinh tế số, xây dựng hạ tầng bền vững như các vị vừa mới đề xuất, chúng tôi sẽ đảm bảo cung ứng nguồn năng lượng sạch để đảm bảo cho phát triển công nghệ số này và cũng đảm bảo nguồn nước phù hợp để phát triển, đồng thời cũng đảm bảo về hạ tầng thuận lợi, không những chỉ là đường hàng không đường biển và đường bộ, đường sắt nội địa có kết nối với quốc tế”.

Ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá  - ảnh 2Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm  dự và phát biểu tại toạ đàm với chủ đề “Tăng cường hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo". Ảnh: VOV

Trên thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2030), quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, với trên 50.000 kỹ sư, cử nhân. Giai đoạn 2 (2030 - 2040): mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI. Giai đoạn 3 từ năm 2040 đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

Trước đó, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn cũng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng. Theo đó, Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn. Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định “công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới. Năm 2021, Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Phục vụ tiến bộ xã hội

Tầm nhìn của Việt Nam đối với ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá là đầy tham vọng. Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều các tập đoàn lớn trong ngành vi mạch bán dẫn đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan,.... Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường, như: Viettel, FPT, VNChip,…Theo ông Rizwan Khan, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Acclime Việt Nam, nếu nhìn lại 10 năm qua, các quy định đã định hình, thực sự có lợi cho doanh nghiệp. Đã có những thay đổi đáng kể cho phép các doanh nghiệp chuyển sang một hướng rất tốt, cũng như ưu ái các doanh nghiệp vào một số ngành công nghiệp nhất định, chẳng hạn như lĩnh vực bán dẫn và kỹ thuật số, lĩnh vực mà các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ đang đến Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng, cho biết: “Ngành bán dẫn phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, phải hình thành hệ sinh thái. Phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phải có nguồn nhân lực, hạ tầng tốt. Tất cả đều phải được đồng bộ với nhau. Chúng tôi cũng đang cải cách các thủ tục cho Luật Đầu tư rất mạnh mẽ để thuận lợi, hấp dẫn cho các nhà đầu tư, sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư đã, đang đến Việt Nam. Tôi kỳ vọng đây sẽ là đóng góp rất lớn cho nền kinh tế thời gian tới”.

Việt Nam có tối đa 3 - 5 năm để giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động để đạt được mục tiêu của mình. Trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang trong cuộc đua trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, sự nhất quán về chính sách kết hợp với hiệu quả triển khai trên thực tế sẽ giúp Việt Nam bứt phá.

Feedback