Ngày này cách đây đúng 49 năm, 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, tại thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thống nhất. Từ những thành quả vĩ đại của chiến thắng 30/4, Việt Nam đã từng bước phát triển.
Xe tăng của Lữ đoàn tăng-thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN |
Chiến thắng 30/4/1975, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, là sự khẳng định với toàn thế giới rằng dân tộc Việt Nam luôn có khát vọng thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thành quả vượt bậc
Sau chiến tranh, người dân Việt Nam bắt tay vào xây dựng phát triển đất nước và đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh, trở thành một quốc gia đang phát triển, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Trong 2 năm 2020 - 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội đất nước, trong khi nền kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP lần lượt 2,91% và 2,58%. Đặc biệt, năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Đáng chú ý là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 1985 (thời điểm Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới), bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2023 đạt khoảng gần 4.300 USD/năm. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt cho biết: "Kể từ năm 2019, GDP trên đầu người đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 92% vào năm 2022; tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh tại Việt Nam đạt từ 98,3%; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng..."
Cùng với đó, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển. Các tài năng văn hoá - nghệ thuật được khuyến khích; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng. Đáng chú ý là chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam liên tục tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Theo báo cáo Hạnh phúc thế giới 2024 được công bố mới đây, Việt Nam tăng 11 bậc và đây là năm thứ 3 liên tiếp mà Việt Nam tăng bậc trên bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Điều đó khẳng định chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Theo báo cáo (năm 2023) của công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners, TP. Hồ Chí Minh đang nổi lên là một điểm nóng tiếp theo về triệu phú của châu Á. Ảnh: VGP |
Trong khi đó, trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người mới nhất do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố tháng 3 vừa qua, Việt Nam tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số chỉ số phát triển con người cao. Đó là kết quả của những chính sách đúng đắn, hiệu quả và nỗ lực của Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển đời sống của người dân trong nhiều năm qua. Những thành tựu của Việt Nam luôn được các đối tác quốc tế đánh giá cao, tin tưởng Việt Nam tiếp tục đạt thành tựu lớn hơn trong hành trình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ: "Việt Nam đã đi được một chặng đường dài, nhưng hành trình phát triển của Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Một lần nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới. Để chúng ta có thể gìn giữ một tương lai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu; để chúng ta không bỏ lại ai ở phía sau; để các bạn có thể chuyển đổi nền kinh tế của mình và thay đổi thế giới, Liên hợp quốc tự hào khi được là đối tác của Việt Nam, từng bước trên chặng đường này".
Hành trình hạnh phúc của dân tộc
Sau 49 năm kể từ chiến thắng 30/4, Việt Nam đang hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức đến từ những xung đột địa chính trị trên thế giới, bẫy thu nhập trung bình, những mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ…, Việt Nam cần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đạt được mục tiêu trên, đưa dân tộc lên một tầm cao mới, thực hiện khát vọng và hoài bão xây dựng đất nước hùng cường. Việc định hình tương lai không chỉ giúp tạo động lực mạnh mẽ, thay đổi tư duy và hành động của mọi tầng lớp nhân dân, mà còn là nguồn động viên để người dân đồng lòng đóng góp cho sự phồn thịnh và hạnh phúc của đất nước.
Chiến thắng 30/4 sẽ mãi là niềm tự hào, là động lực thúc đẩy Việt Nam vượt qua mọi trở ngại, vững bước trên con đường đổi mới, tiếp tục đưa dân tộc đến những bến bờ thành công. Kỷ niệm 49 năm Ngày thống nhất đất nước, mỗi người Việt Nam càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, về tinh thần hòa hợp, hòa giải, đoàn kết, thống nhất, là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục vươn cao.