Từ lễ Phật đản, thấy rõ về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Tín đồ Phật tử của Việt Nam vừa có một lễ Phật đản với những sinh hoạt tôn giáo trang trọng và bình yên. 

(VOV5) - Tín đồ Phật tử của Việt Nam vừa có một lễ Phật đản với những sinh hoạt tôn giáo trang trọng và bình yên. Đông đảo người dân cùng các tăng ni, phật tử tham dự các sinh hoạt tôn giáo đã cho thấy một bức tranh đầy đủ và sâu sắc về tự do tín ngưỡng ở Việt Nam.

Trong ngày Phật đản Phật lịch 2557, chùa chiền khắp nơi từ Hà Nội đến Huế, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước đều chăng đèn, kết hoa và rộn ràng các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng. Hàng triệu đồng bào Phật tử trong và ngoài nước hoan hỉ thực hiện lễ dâng hương, tụng kinh, lễ tắm Phật, thả bóng bay cầu chúc hòa bình, tham gia công tác từ thiện xã hội… Một lễ Phật đản vui tươi, an lành và hạnh phúc của các tín đồ Phật tử là minh chứng sinh động cho sự phát triển mọi mặt của Phật giáo Việt Nam, như lời Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định trong buổi lễ trọng thể mừng Phật đản tại Hà Nội: “Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nối tiếp truyền thống vô úy của Phật giáo Việt Nam từ hai ngàn năm qua, được sự đồng tình ủng hộ của Nhà nước và quần chúng nhân dân, đã đạt được những thành tựu khả quan về các mặt hoạt động, tạo sức phát triển mạnh mẽ với hàng  triệu Phật tử, chưa kể số lượng đông đảo những người có xu hướng theo Phật giáo, 45 ngàn tăng ni và gần 16 ngàn tự viện trên khắp cả nước”.

Nếu lễ Phật đản của đồng bào theo đạo Phật là vậy, thì ngày Noel cũng là một ngày lễ không kém phần trang trọng, không chỉ đối với riêng đồng bào theo đạo Công giáo mà còn của cả cộng đồng xã hội Việt Nam. Trong mùa Noel, trong ngày Phật đản, hoặc các dịp lễ trọng của đồng bào các tôn giáo Việt Nam, chính quyền các địa phương đều tổ chức thăm hỏi các tăng ni, chức sắc, chức việc tôn giáo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo tổ chức hoạt động tín ngưỡng, mục vụ an toàn và hiệu quả. Sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào các tôn giáo được đảm bảo trong các dịp lễ trọng và cả trong cuộc sống hàng ngày, chính là mục đích cao nhất mà Việt Nam nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua.

 Sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào các tôn giáo được đảm bảo đã cho thấy rõ nhất chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam. Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi rõ: “ Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để lại trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Cùng với Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các pháp lệnh, nghị định, đặc biệt là Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo cho công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật. Nhờ hành lang pháp lý rộng mở này mà hầu hết các tôn giáo lớn của Việt Nam đều đã và đang phát triển với với ngày càng nhiều tín đồ, chức sắc, nhà tu hành và cơ sở.

Từ lễ Phật đản, thấy rõ về tự do tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 1

Tính đến cuối năm 2012, Việt Nam đã có 13 tôn giáo, 36 tổ chức tôn giáo và một pháp môn tu hành với 24 triệu tín đồ, 83 nghìn chức sắc, 250 nghìn chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, hơn 25 nghìn cơ sở thờ tự bền vững, khang trang. Cùng với việc mở mang cơ sở thờ tự, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng đường hướng hoạt động gắn bó, đồng hành và phát triển cùng dân tộc, như khẳng định của ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, tại Đại hội đồng lần thứ hai của Tổng hội thánh Bap – tit, cuối năm 2012: “Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Việc ban hành và thực thi các chính sách pháp luật về tự do tôn giáo, tín ngưỡng đã đáp ứng được những nguyện vọng chính đáng của đồng bào các tôn giáo nói chung, đồng bào theo đạo Tin Lành nói riêng. Những kết quả đạt được trong hoạt động của các tôn giáo là minh chứng sống động về chính sách tôn giáo của Đảng, nhà nước, là động lực để đồng bào các tôn giáo đoàn kết, gắn bó trong khối đại đoàn kết dân tộc”.

Thực tế tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong các dịp Việt Nam đăng cai tổ chức các sự kiện tôn giáo quốc tế, điển hình là Vesak 2008 và cả trong các phát biểu của các chính khách, bạn bè quốc tế từng đến Việt Nam, trong đó có cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak. Mới đây, Ngoại trưởng Hoa kỳ John Kerry, khi đề cập cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2013” cũng khẳng định Việt Nam có những tiến bộ không nhỏ trong lĩnh vực tôn giáo.

Vài nét chấm phá về ngày Phật đản Phật lịch 2557 để thấy bức tranh sinh động về sự phát triển của các tôn giáo Việt Nam, cũng để thấy rằng tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam là một thực tế rõ ràng được cộng đồng quốc tế công nhận và không thể xuyên tạc./.

Feedback