(VOV5) - Trong năm nay, cả phía ASEAN và Trung Quốc đều đã có những động thái tích cực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng COC.
Biển Đông có rất nhiều tài nguyên cũng như có vị trí quan trọng với tư cách là tuyến đường giao thông huyết mạch trên biển của thế giới. Nhưng đây cũng là khu vực luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc khi mà những tranh chấp phức tạp vẫn chưa được giải quyết.
Sự ra đời của Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và tiến tới là Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) sẽ là giải pháp hiệu quả để duy trì sự ổn định, hòa bình và hữu nghị tại khu vực này. Bài viết của Lê Phương nhan đề: “Từ DOC đến COC, triển vọng hòa bình cho khu vực biển Đông”.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5. Ảnh: qdnd
|
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 04/11/2002, tại Phnom Penh, Campuchia, là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề biển Đông. Đây được xem là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Những bước thực hiện DOC mang lại tiếng nói chung
Trong lộ trình DOC, ngày 21/07/2011, tại Bali, Indonesia, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC sau 9 năm đàm phán. Văn bản này được xem là bước tiến trong tiến trình quản lý tranh chấp. Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và Bản quy tắc hướng dẫn các bên thực thi DOC ra đời chính là nền tảng để các nước ASEAN đàm phán với Trung Quốc để giải quyết những tranh chấp trên biển Đông.
Thông điệp của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh gửi tới Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 5 vừa diễn ra tại Hà Nội, được Phó Tổng thư ký ASEAN Nyan Lynn truyền đạt, khẳng định: ““DOC đã đề ra được những nguyên tắc cơ bản đó là hòa bình, ổn định và an ninh trên biển trong khu vực biển Đông và cũng đề ra những nguyên tắc ứng xử cho các quốc gia liên quan đến tranh chấp trên biển Đông trong đó kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và không làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực. DOC cũng đã tạo ra nền tảng cho các hoạt động đối thoại cũng như cơ chế hợp tác trong khu vực và tạo cơ sở cho các hoạt động, chương trình hợp tác, dự án.”
Hơn 1 thập niên qua, DOC đã trở thành một trụ cột, điều cốt lõi trong hành động của các nước ASEAN và Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Tuy nhiên, DOC chưa phải là mục tiêu cuối cùng trong việc cung cấp giải pháp cho các vấn đề tranh chấp trên biển.
Phó Tổng thư ký ASEAN Nyan Lynn cũng nêu thông điệp của Tổng Thư ký ASEAN, trong đó chỉ rõ: “COC vẫn phải đề ra các nguyên tắc thực chất và được xây dựng trên cơ sở quá trình đàm phán với sự tham gia của các bên liên quan. Và tương lai, COC phải là một công cụ pháp lý tổng thể có tính ràng buộc với các quốc gia ASEAN cũng như Trung Quốc. Để từ đó có thể tạo ra một môi trường trong khuôn khổ hòa bình, ổn định, bền vững để giải quyết các tranh chấp trên khu vực biển Đông.”
Để tiến tới sự ra đời của COC đòi hỏi các bên liên quan cần có sự thống nhất về nội dung các điều khoản bao gồm trong đó. Điều này không đơn giản khi cách tiếp cận khác nhau giữa ASEAN và Trung Quốc về COC vẫn còn.
Những góc nhìn tương đồng từ DOC đến COC
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, luôn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, vấn đề về biển Đông được coi là một trong những ưu tiên của cả ASEAN và Trung Quốc trong năm 2013. Trong năm nay, cả phía ASEAN và Trung Quốc đều đã có những động thái tích cực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng COC.
Điều này được thể hiện qua Tuyên bố chung giữa 2 bên tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc lần thứ 16 nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện DOC, cuộc tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 09/2013, cùng với đó là nỗ lực của mỗi quốc gia ASEAN để giải quyết các vấn đề về biển Đông trong các buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao phía Trung Quốc.
Các bên đều nhất trí rằng khi các bên liên quan vẫn còn phải đối mặt với các thách thức phía trước thì điều quan trọng là ASEAN và Trung Quốc phải tiếp tục chia sẻ những lợi ích chung, trách nhiệm chung và ý chí chính trị trong việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử COC một cách hiệu quả.
Ông Ralf Emmers, chuyên gia nghiên cứu về biển Đông, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), Singapore, nhận định: “Đầu năm nay, Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu tham vấn chính thức về COC. Đây là một sự thay đổi quan điểm tích cực của Trung Quốc bởi vì trước đây Trung Quốc có quan điểm khá cứng rắn về quá trình tham vấn COC và cho rằng thời gian chưa đến lúc để tiến hành công việc này.
Với quyết định bắt đầu đồng ý tham vấn COC, tôi nghĩ đây là một bước tiến triển lớn. Quá trình đàm phán và tham vấn COC sau này là một quá trình lâu dài, chúng ta không thể trông đợi rằng có được một văn bản COC ngay lập tức.”
Đảm bảo duy trì nền hòa bình, ổn định trong khu vực
Các vấn đề về biển Đông là một trong những vấn đề về hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu những vấn đề này không được giải quyết một cách hợp lý sẽ dẫn đến những mâu thuẫn giữa các bên, làm ảnh hưởng xấu tới tình hình khu vực biển Đông vốn luôn được xem là khu vực tranh chấp nhạy cảm trong nhiều năm nay.
Bà Li Jianwei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Biển, Viện Nghiên cứu Quốc gia về biển Đông, Trung Quốc, cho rằng: “Hòa bình và ổn định có tầm quan trọng với mọi quốc gia, không chỉ các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cũng như tuân thủ luật pháp cũng là tầm quan trọng rất lớn đối với cả ASEAN và Trung Quốc.
Tuân thủ luật pháp đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định. Các biện pháp cụ thể cần được tiến hành để có thể thúc đẩy cam kết thực hiện từ DOC đến COC.”
Sự tham gia của Trung Quốc với ASEAN về vấn đề Biển Đông sẽ giúp tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh tại Đông Nam Á. Trung Quốc và ASEAN tiến hàng các chương trình hợp tác trên cơ sở DOC, điều này mở ra cơ hội xây dựng lòng tin và từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc thảo luận về COC. Những dấu hiệu tích cực này phần nào mang tới tia hy vọng về một sự hợp tác hiệu quả giữa các bên, góp phần đảm bảo duy trì một nền hòa bình, ổn định trong khu vực./.