Thủ tướng Australia, Anthony Albanese thực hiện chuyến thăm đến Trung Quốc từ ngày 4-7/11. Chuyến thăm giúp đưa quan hệ Trung Quốc-Australia trở lại với động lực phát triển tích cực, sau 3 năm hai nước mâu thuẫn sâu sắc trong một loạt các vấn đề, từ thương mại, đầu tư đến an ninh, chính trị.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Albanese tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 6/11/2023. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Anthony Albanese đặt chân đến Trung Quốc từ hôm 4/11, tham dự Hội chợ quốc tế hàng nhập khẩu ở Thượng Hải, dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Hồng Kiều trước khi có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu chính phủ Australia đến Trung Quốc trong 7 năm qua, đánh dấu việc hai nước chính thức khép lại giai đoạn bất đồng nghiêm trọng trong 3 năm qua và hướng đến một tương lai ổn định hơn.
Căng thẳng thương mại-chính trị
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia trong suốt hơn 1 thập kỷ qua. Tính đến tháng 6 năm nay, trao đổi hàng hóa hai chiều trong vòng 12 tháng giữa Trung Quốc và Australia đạt trên 303 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch thương mại của Australia. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước này và lớn hơn cả 3 đối tác thương mại lớn tiếp theo của Australia cộng lại.
Đặc biệt, trong gần 2 thập kỷ qua, xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ bình quân trên 17% mỗi năm và Australia luôn là bên xuất siêu rất lớn, với kỷ lục xuất siêu gần 100 tỷ USD trong thương mại với Trung Quốc vào năm 2021. Về phía Trung Quốc, Australia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 13 của nước này vào năm ngoái, và là nguồn cung cấp nhiều khoảng sản quan trọng, như; quặng sắt, than đá, lithium.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 5/11/2023. Ảnh: Jin Liwang/Xinhua/AP |
Tuy nhiên, quan hệ hai nước trở nên căng thẳng vào đầu năm 2020, khi chính phủ Australia của cựu Thủ tướng Scott Morrisson kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 vào thời điểm Trung Quốc đang căng mình chống chọi đại dịch. Một loạt các mâu thuẫn sau đó, như việc Australia cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc, hủy bỏ việc tham gia vào sáng kiến “Vành đai – Con đường” (BRI) của Trung Quốc, tranh cãi về một số vấn đề đầu tư, an ninh khu vực… càng khiến quan hệ song phương lao dốc. Phía Trung Quốc sau đó đã áp đặt một loạt các hạn chế thương mại với hàng xuất khẩu của Australia, như: than đá, ngũ cốc, rượu vang, gỗ, phát cảnh báo du lịch đến Australia đồng thời đình chỉ toàn bộ các trao đổi chính trị song phương từ giữa năm 2021.
Theo các ước tính từ phía chính phủ Australia, căng thẳng thương mại với Trung Quốc đã khiến Australia thiệt hại khoảng 20 tỷ USD mỗi năm trong hơn 2 năm qua. Về phía Trung Quốc, tuy không có thống kê cụ thể về thiệt hại thương mại khi nước này hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng của Australia nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng thiệt hại khi căng thẳng với Australia tiếp diễn, bởi Australia là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghiệp chế biến thép hay sản xuất pin ô tô điện, những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch.
Ổn định quan hệ song phương
Lãnh đạo cả hai nước đều nhận thức được nhu cầu phải nhanh chóng cải thiện quan hệ song phương. Tại Australia, từ khi lên nắm quyền vào tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Anthony Albanese đã theo đuổi chính sách đối thoại tích cực với Trung Quốc, dựa trên nguyên tắc: hợp tác khi có thể, đối thoại mang tính xây dựng nhưng thẳng thắn khi cần thiết và không né tránh sự khác biệt. Về phần mình, Trung Quốc cũng chủ động nối lại các tiếp xúc với Australia tại các diễn đàn đa phương, giúp đưa quan hệ hai nước dần ấm lên từ cuối năm ngoái. Đầu năm nay, Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế (không chính thức) liên quan đến một số mặt hàng xuất khẩu của Australia, như: than đá, lúa mạch và cuối tháng 10 vừa qua, hai bên chính thức tạm ngừng các tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Trung Quốc đánh thuế lên tới 218% với rượu vang Australia. Mới đây, chính quyền Australia cũng đã quyết định không xem lại việc cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin của nước này.
Tiếp nối các động thái tích cực đó, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Australia, Anthony Albanese, đánh dấu việc hai bên chính thức khép lại giai đoạn căng thẳng trong 3 năm qua. Thủ tướng Anthony Albanese nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc bằng cách kiên nhẫn, cân nhắc và thận trọng với cách tiếp cận mang tính xây dựng. Cách thức để cải thiện quan hệ với các quốc gia là cần phải có quan hệ và các đối thoại mang tính tôn trọng với quốc gia đó”.
Về phía Trung Quốc, theo nhiều chuyên gia, việc cải thiện quan hệ với Australia cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc, không chỉ bởi Australia là đối tác thương mại lớn, mà còn bởi việc cải thiện quan hệ với Australia sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt căng thẳng với phương Tây nói chung, đồng thời duy trì được một sự ổn định nhất định tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi các quốc gia đang ngày càng lo ngại các tác động tiêu cực của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc. Quan điểm này được thể hiện rõ trong phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm hôm 7/11 với Thủ tướng Anthony Albanese: “Chúng ta đã đồng ý với nhau rằng hai đất nước chúng ta cần tiếp xúc và trao đổi với nhau một cách chín chắn và trưởng thành. Một mối quan hệ Trung Quốc-Australia lành mạnh và ổn định phục vụ lợi ích của đất nước và nhân dân 2 nước, đáp ứng kỳ vọng của các quốc gia trong khu vực. Do đó, điều quan trọng là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước cần phải tiến lên phía trước”.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh thế giới biến động khó lường như hiện nay, việc gạt lại bất đồng, ổn định quan hệ song phương là ưu tiên lớn của cả Trung Quốc lẫn Australia bởi cả hai đều đang theo đuổi các mục tiêu chiến lược lớn hơn trong dài hạn