Trung Quốc tự gây bất lợi cho mình khi tiếp tục hành xử vô lý ở Biển Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng các yêu sách của Trung Quốc là nguy hiểm và trái với pháp luật.

Các hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc thời gian gần đây tiếp tục bị cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ và hết sức bất bình. Dư luận cho rằng với cách hành xử bất tuân luật pháp quốc tế, Bắc Kinh sẽ chỉ tự chuốc lấy bất lợi cho chính mình, làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, gây thiệt hại không thể khắc phục nổi trong quan hệ với các nước láng giềng.

Trung Quốc tự gây bất lợi cho mình khi tiếp tục hành xử vô lý ở Biển Đông - ảnh 1 Đá Subi bị Trung Quốc bồi đắp, quân sự hóa trái phép. Ảnh: AP.

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục thể hiện khả năng “biến hóa” trong chính sách ở Biển Đông, từ cách tự vẽ ra đường 9 đoạn trên Biển Đông đến tuyên truyền về cái gọi là chiến lược Tứ Sa. Khi cộng đồng quốc tế phản bác đường 9 đoạn, Trung Quốc lập tức chuyển hướng, tập trung vào cái gọi là tuyên bố chủ quyền vơ vào các hòn đảo, các rạn san hô nửa chìm nửa nổi, các bãi cát trên biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”, đưa máy bay đậu ở đảo Đá Chữ thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đẩy mạnh chiến lược Tứ Sa, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982), thể hiện bước leo thang có tính toán trong việc khẳng định chủ quyền phi pháp của nước này tại khu vực biển Đông, với âm mưu muốn biến Biển Đông thành “ao nhà”. Dư luận quốc tế tiếp tục có những phản ứng mạnh mẽ trước tham vọng phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc tự gây bất lợi cho mình khi tiếp tục hành xử vô lý ở Biển Đông - ảnh 2 Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Đồng loạt gửi công hàm phản đối lên LHQ

Liên tục trong những ngày qua, các quốc gia, kể cả các quốc gia trong khu vực có liên quan hay ngoài khu vực, đều lên tiếng phản đối những tham vọng phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong diễn biến mới nhất, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft vừa viết thư lên Tổng thư ký Liên hợp Quốc phản đối các yêu sách chủ quyền trên biển phi pháp của Trung Quốc. Trong thư, Đại sứ Kelly Craft nhấn mạnh Mỹ phản đối các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc do không phù hợp với luật pháp quốc tế dược phản ánh qua Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Bà Kelly Craft cũng yêu cầu Tổng thư ký Antonio Guterres lưu hành bức thư của mình tới toàn bộ các thành viên Liên hợp quốc như một văn bản cho chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc và của Hội đồng bảo an.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng các yêu sách của Trung Quốc là nguy hiểm và trái với pháp luật. Ông Pompeo cũng kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc đoàn kết trong việc duy trì luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.

Trong khi đó, Indonesia cũng khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ António Guterres ngày 26/5. Indonesia thể hiện sự ủng hộ của chính phủ nước này đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay, khi tòa án đứng về phía Philippines trong vụ kiện về lãnh thổ với Trung Quốc. Công hàm tái khẳng định “yêu sách của Trung Quốc về “đường chín đoạn” là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.”

Công hàm của Indonesia là phản ứng mới nhất trong số những công hàm của các Quốc gia ASEAN gửi cho Liên Hợp quốc sau công hàm của Việt Nam hồi tháng 3/2020 và của Malaysia hồi tháng 12/2019 về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với thềm lục địa trên Biển Đông.

Toan tính lợi ích và cái giá phải trả

Có thể thấy thời gian qua, quan điểm và hành động của Trung Quốc có tính toán cụ thể. Trung Quốc bất chấp chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông, đồng thời phớt lờ các quyền hợp pháp của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về tự do hàng hải, hàng không, đòi hỏi yêu sách chủ quyền phi lý theo cách mà họ muốn. Tuy nhiên, kết quả của việc tính toán giữa lợi ích mà nó mang lại và cái giá phải trả mới là điều đáng nói.

Theo các nhà quan sát, những rủi ro gắn liền với việc Trung Quốc tự ý áp đặt các quyền ở Biển Đông hoàn toàn có thể xảy ra. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington vẫn đang gia tăng đều đặn khi hai bên đụng độ trên nhiều mặt, từ thương mại, công nghệ đến các vấn đề về quân sự và nay là đổ lỗi, phê phán lẫn nhau về cách xử lý dịch bệnh cũng như về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, hình ảnh một nước lớn trong mắt các nước láng giềng Đông Nam Á những năm gần đây bị tổn hại bởi cách hành xử bất tuân luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành xử vô lối ở Biển Đông, coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia ven biển, sẽ dẫn đến gia tăng nguy cơ đối đầu, gia tăng xung đột và những cuộc đụng độ cục bộ trong khu vực. Đồng thời, tạo ra sự phức tạp, trầm trọng hơn cho việc giải quyết tranh chấp về các vấn đề liên quan. Xét về toàn cục, điều này là tác nhân nguy hiểm cho an ninh và ổn định trong khu vực.

Feedback