Trung Đông năm 2018: Những tiến trình hòa bình còn dang dở

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Năm 2019, diễn biến khu vực còn nhiều ẩn số khó lường bởi các cường quốc vẫn đang tìm lời giải cho bài toán lợi ích địa chiến lược của riêng mình tại khu vực quan trọng này.

Năm 2018 đi qua để lại cho khu vực Trung Đông nhiều vấn đề còn ngổn ngang, dang dở. Xung đột lợi ích giữa các phe phái, sự tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc khiến cho khu vực này 1 năm qua bùng phát nhiều mâu thuẫn, căng thẳng và xung đột, khó có thể mong đợi có những bước đột phá hóa giải trong năm 2019.

Mặc dù năm 2018 chứng kiến “ngày tàn” của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, song màu tối vẫn là gam màu chủ đạo của bức tranh Trung Đông năm 2018.

Trung Đông năm 2018: Những tiến trình hòa bình còn dang dở - ảnh 1Xung đột giữa người biểu tình Palestine và binh sĩ Israel ở phía bắc Dải Gaza ngày 19/11/2018. Ảnh: THX/TTXVN 

Bầu không khí khu vực tăng nhiệt

Cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông giữa Palestine và Israel năm 2018 bất ngờ tăng nhiệt khi Mỹ quyết định công nhận Jerusalem, vùng lãnh thổ nhạy cảm giữa Israel và Palestine, là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Quyết định này của Mỹ đã thổi bùng sự giận giữ của người Palestine, khép chặt cánh cửa đàm phán về tương lai một giải pháp hai nhà nước Palestine – Israel cùng chung sống hòa bình vốn được cộng đồng quốc tế nỗ lực bấy lâu.  

Đáng buồn hơn, hồ sơ hạt nhân Iran tưởng chừng đã được khép lại thì nay trở thành nguyên nhân “kích hoạt” gói biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran, kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Chính sách nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trumph đã đẩy quan hệ Mỹ-Iran xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây. Không chỉ cứng rắn trong việc kiên quyết rút lại thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử, Washington còn tăng cường áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran. Trong khi Mỹ luôn coi Iran là “mối đe dọa” đụng chạm đến các lợi ích chiến lược dài hạn của Mỹ tại Trung Đông, phá hỏng cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ thiết lập dựa trên các đồng minh ở khu vực như Israel và Saudi Arabia, thì Iran cũng tỏ thái độ không lùi bước, kiên quyết không nhượng bộ dù sức ép từ các đòn trừng phạt của Mỹ ngày càng nặng nề. Các cáo buộc, đe dọa qua lại lẫn nhau tạo nguy cơ thổi bùng một cuộc chiến mới tại khu vực Trung Đông.

Trong khi đó, con đường thiết lập nền hòa bình ở Syria trong năm qua vẫn gập ghềnh trắc trở. Mặc dù chính quyền Syria giành chiến thắng trong cuộc xung đột, thiết lập những quy định của mình tại nhiều khu vực trên khắp đất nước, dưới sự hỗ trợ của Nga và Iran, nhưng con số thương vong trong các cuộc xung đột này là rất lớn. Mới đây, các tổ chức phi chính phủ của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một thống kê đau lòng, theo đó, số dân thường chết ở Syria trong năm 2018 lên tới 7.000 người, cao hơn so với năm 2017.

Trong bức tranh chung đó, Yemen, quốc gia Trung Đông khác cũng góp thêm nốt trầm khi đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới sau 4 năm nội chiến. Hàng chục nghìn người thương vong, hàng triệu người phải sơ tán. 22/25 triệu người dân Yemen phụ thuộc vào viện trợ và người dân nơi đây đang đứng bên bờ vực nạn đói tồi tệ nhất thế giới trong vòng 100 năm qua. Tuy nhiên, cho đến nay, một giải pháp chính trị toàn diện để chấm dứt xung đột vẫn chưa được các bên tìm thấy và tương lai đất nước này chưa biết sẽ đi về đâu.

Trong bối cảnh đó, nguy cơ an ninh, bất ổn chính trị, khủng bố cực đoan càng có cơ hội bùng phát, trở thành những vấn đề nhức nhối của khu vực Trung Đông 2018. 

Tình hình Trung Đông 2019 chưa có nhiều đột phá

Tình hình Trung Đông hiện nay chịu sự chi phối của nhiều thế lực ở cả trong và ngoài khu vực và trở thành địa bàn “va chạm” lợi ích chiến lược quyết liệt giữa các cường quốc. Dù tiến trình hòa bình ở Syria đang có những bước tiến triển nhất định với việc Mỹ tuyên bố rút quân hoàn toàn khỏi Syria, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ lợi ích ở Trung Đông mà chỉ là chuyển sang chiến lược can thiệp có lựa chọn.

Một khu vực với sự can dự của quá nhiều bên cùng những mục tiêu đối lập tại quốc gia này có thể khiến tương lai chính trị Syria chưa thể định hình. Tương tự, cuộc xung đột ở Yemen, dẫu hy vọng vừa được nhen lên sau vòng đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ tháng 12/2018 vừa qua, về bản chất cũng chỉ là một cuộc chiến ủy nhiệm tiếp theo ở Trung Đông. Cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc khu vực Saudi Arabia và Iran, đứng sau là các trục liên minh không dễ gì giải quyết trong thời gian tới.

Có thể nói bức tranh Trung Đông 2018 là sự tổng hòa của những mối mâu thuẫn âm ĩ và dai dẳng chưa có hướng hóa giải, của những tiến trình hòa bình vẫn còn dang dở. Năm 2019, diễn biến khu vực còn nhiều ẩn số khó lường bởi các cường quốc vẫn đang tìm lời giải cho bài toán lợi ích địa chiến lược của riêng mình tại khu vực quan trọng này.

Feedback