Trẻ em – Đối tượng được ưu tiên chăm sóc đặc biệt ở Việt Nam

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em (2/1990).

Những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc quyền trẻ em sau hơn 30 năm tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (1989-2019) là không thể phủ nhận, được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, một lần nữa, trẻ em Việt Nam lại là đối tượng được đặc biệt quan tâm, chăm sóc.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em (2/1990). Những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em. Ngày càng có nhiều trẻ em được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay từ trường mầm non và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi.

Bảo vệ trẻ em trong đại dịch Covid-19

Với phương châm hành động trong phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam là “Không một ai bị bỏ lại phía sau”, trẻ em là đối tượng được đặc biệt quan tâm và ưu tiên chăm sóc.  

Từ giữa tháng 3/2020, số lượng người được cách ly tại các khu cách ly tập trung ngày càng tăng, trong đó phụ nữ mang thai và trẻ em. Bộ LĐTBXH phối hợp với Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì quyền trẻ em nhanh chóng biên soạn các tài liệu hướng dẫn an toàn, bảo vệ trẻ em tại các khu cách ly tập trung. Nội dung tài liệu được biên soạn ngắn gọn, thiết kế sinh động, thân thiện. Bên cạnh đó, đội ngũ phục vụ tại các cơ sở cách ly cũng làm tốt trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của trẻ em, như chế biến những suất ăn riêng cho trẻ nhỏ hay hỗ trợ việc tổ chức những cuộc kỷ niệm sinh nhật cho trẻ em trong khi cách ly. Để phòng ngừa lây nhiễm đối với trẻ em, Cục trẻ em, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 liên quan đến các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong thời gian dịch bệnh tại địa phương.

Trẻ em – Đối tượng được ưu tiên chăm sóc đặc biệt ở Việt Nam - ảnh 1 Việt Nam đã có nhiều tiến bộ quan trọng trong thực thi quyền trẻ em. - Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh trẻ em không đến trường, thực hiện giãn cách xã hội, Việt Nam cũng triển khai một chiến dịch truyền thông online nhằm kịp thời hướng dẫn giải quyết những vấn đề của trẻ em, cha mẹ và giáo viên, những vấn đề sang chấn tâm lý và các tác động không mong muốn khác do giãn cách xã hội đối với trẻ em và người chưa thành niên.

Những thách thức mới và hành động

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ quan trọng trong thực thi quyền trẻ em, đặc biệt là việc nội luật hóa các điều khoản và nguyên tắc của Công ước vào các bộ luật, chính sách và chương trình quốc gia. Tính đến nay, Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp lý quan trọng quy định về quyền trẻ em, đáng chú ý là “Luật Phổ cập giáo dục tiểu học” và “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Năm 2016, Luật trẻ em ra đời nhằm bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các quyền trẻ em; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, những thay đổi trên toàn cầu, như sự phát triển của công nghệ số, biến đổi của môi trường sống, di cư ồ ạt đang đạt ra những thách thức mới trong bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em. Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển internet, mạng xã hội một mặt tạo môi trường để trẻ em phát triển trí tuệ, giao tiếp xã hội nhanh hơn thì cũng đồng thời làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng. Trẻ em còn là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và dai dẳng của biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường khắc nghiệt, suy giảm nguồn tài nguyên.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn đề cao quyền trẻ em và có các chương trình hành động cụ thể, như đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng, xây dựng những quy trình kiểm duyệt riêng cho Việt Nam trên các ứng dụng mạng. Việt Nam cũng đang triển khai “Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025”. Hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng từng bước được hoàn thiện và hài hoà hơn với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, tạo ra những cơ sở pháp lý, chính sách cần thiết cho việc thực hiện các quyền của trẻ em tại Việt Nam. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam, là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn lực con người.

Feedback