Đảng Cộng sản Việt Nam xác định xây dựng văn hóa và xây dựng con người có mối quan hệ khăng khít với nhau. Phát triển văn hóa là vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa. Vì con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển, nên trao quyền cho người dân thực hiện sứ mệnh giữ gìn và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam.
Hội thảo Văn hoá 2022 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, ngày 17/12. Ảnh: Ngọc Thành/VOV |
Trải qua những thăng trầm lịch sử, các thế hệ người dân Việt Nam đã sáng tạo nên nền văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc. Những sáng tạo đó luôn được các thế hệ sau gìn giữ, phát huy, bổ sung, đồng thời phát triển thêm những giá trị mới, kết thành bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh, động lực tinh thần, củng cố khối đại đoàn kết, giúp khẳng định vị thế của đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc
Trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân trong xây dựng nền văn hóa dân tộc. “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập đến tính chất của nền văn hóa mới mà toàn thể nhân dân Việt Nam hướng đến xây dựng, đó là nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, hướng về quảng đại quần chúng nhân dân, do nhân dân xây dựng và vì cuộc sống lành mạnh, phong phú của nhân dân.
Quan điểm này tiếp tục được kế thừa, bổ sung trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, là định hướng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự vừa là nền tảng tinh thần của nhân dân, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Tại Hội nghị văn hóa năm 2022, ngày 17/12, diễn ra tại tỉnh Bắc Ninh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhắc lại nội dung quan trọng được nêu trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là “sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Theo đó, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và đề cao vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa con người đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn mới. Đó là phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực quan trọng, là mục tiêu của sự phát triển. Lấy giá trị văn hóa con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".
Trao quyền cho người dân thực hiện sứ mệnh giữ gìn và phát triển văn hóa
Sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa. Đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Vai trò của người dân trong sáng tạo, thực hành, trao truyền và thụ hưởng văn hóa ngày càng được coi trọng, sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa ngày đông đảo.
Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn. Chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy văn hóa phát triển. Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và nội luật hóa hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa, thúc đẩy và bảo vệ các quyền về văn hóa phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện thuật lợi để giao lưu, hợp tác, quảng bá văn hóa, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: "Trong hoàn thiện thể chế cần đặc biệt chú trọng xác định rõ vai trò của các chủ thể trong lãnh đạo, quản lý, phát triển văn hóa và trong hoạt động văn hóa. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường phát triển, sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm quyền sáng tạo và thụ hưởng văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân. Phát triển văn hóa luôn bắt đầu từ người dân. Nhân dân là trung tâm, vừa là người hưởng thụ văn hóa, vừa là người trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, cung cấp các dịch vụ và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa".
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, đời sống vật chất, tinh thần và trình độ hiểu biết của người dân ngày càng được nâng cao, các cơ chế chính sách liên quan đến văn hóa càng chú trọng trao quyền cho người dân thì càng tạo điều kiện thuận lời để người dân, với vai trò là chủ thể chính, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng văn hóa dân tộc.
Văn hóa là hồn cốt, là bản sắc của dân tộc, phản chiếu tâm hồn, phẩm chất, nhân cách, lối sống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Những giá trị tốt đẹp ấy được bảo tồn, gìn giữ đến ngày hôm nay chính là bởi người dân đã được trao quyền để thực hiện sứ mệnh giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa của các thế hệ cha ông đi trước cho muôn đời con cháu mai sau.