Thành công của Hội nghị thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong và Hội nghị cấp cao 3 nước CPC - Lào - Việt Nam do Việt Nam đăng cai tổ chức mang ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực. Một loạt văn kiện quan trọng được thông qua trong dịp này đã góp phần định hình phương hướng hợp tác khu vực trong giai đoạn tới, thể hiện cam kết tăng cường hợp tác nhiều mặt để cùng xây dựng một tiểu vùng Mekong mở rộng hội nhập thịnh vượng và phát triển bền vững.
Quang cảnh hội nghị thượng đỉnh GMS. - Ảnh: Đức Anh |
Hội nghị thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao tam giác phát triển 3 nước CPC - Lào - Việt Nam là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm nay do Việt Nam đăng cai tổ chức. Nhiều kết quả quan trọng đã đạt được tại 2 hội nghị này.
Thông qua nhiều văn kiện quan trọng, định hình cho sự phát triển của khu vực
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về những định hướng hợp tác lớn trong trung hạn và khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn hợp tác dài hạn của GMS. 3 văn kiện quan trọng của Hội nghị là Tuyên bố chung, Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018-2022, Khung đầu tư tiểu vùng 2022 với hơn 222 dự án cụ thể, quy mô khoảng 65 tỷ USD cho thấy xu hướng hợp tác chiếm vai trò chủ đạo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tọa hội nghị, đánh giá:Hội nghị rất thành công. Nó mang lại niềm tin, một định hướng rõ nét trong lĩnh vực mà các nước trong khối GMS quan tâm. Đáng chú ý, Hội nghị khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau năm 2022. Trong bối cảnh các nước GMS hướng đến Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDG 2030 của Liên hợp quốc, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, hợp tác GMS cần xác định được tầm nhìn dài hơn nhằm xây dựng một khu vực GMS hội nhập và thịnh vượng. Đó cũng sẽ là một tầm nhìn đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng ở khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân đều hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và các cuộc cách mạng công nghệ mang lại.
Trong khi đó, thành công của Hội nghị Cấp cao Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Đó là đã mở ra một chương hợp tác mới cho CLV khi lần đầu tiên các đối tác phát triển đều tham dự hội nghị. Điều này khẳng định vai trò của CLV trong khu vực và cộng đồng ASEAN. Hội nghị lần này quyết định mở ra không gian hợp tác mới giữa 3 nước, trong đó đáng chú ý là Kế hoạch tổng thể về kết nối 3nền kinh tế CLV đến năm 2030. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Đây là nội dung quan trọng. Trước hết là kết nối thể chế bao gồm tăng cường phổ biến chính sách pháp luật. Thứ 2 là kết nối hạ tầng tập trung vào nâng cấp các tuyến đường giao thông, rồi điện lực, thương mại, du lịch. Thứ 3 là kết nối con người bao gồm hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, thể thao, văn hóa. Với sự kết nói đồng bộ này nhất định khu vực tam giác phát triển sẽ có bước phát triển trong thời gian tới.
Dấu ấn Việt Nam
Lãnh đạo các nước đều ghi nhận vai trò nổi bật của Việt Nam với tầm nhìn và các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các nền kinh tế. Tại Hội nghị GMS 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh tới việc 6 nước cần phải tăng cường kết nối mà đầu tiên là cơ sở hạ tầng và các nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ triển khai hơn 200 dự án với tổng vốn lên tới 66 tỷ USD. Cùng với kết nối về hạ tầng cứng, theo đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận quan trọng là từng quốc gia sẽ tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh của Tiểu vùng.
Đáng chú ý, để phát huy sự tham gia mạnh mẽ hơn của các đối tác phát triển và đặc biệt là khu vực tư nhân vào hợp tác GMS, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, thu hút sự tham gia của đông đảo các thành phần đại biểu, với quy mô lên tới 2000 người. Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc, ông Vương Nghị đánh giá: Với sáng kiến của Việt Nam lần đầu tiên có hội nghị thượng đỉnh kinh doanh. Đây là cơ chế mới và nó rất quan trọng vì giúp chúng ta lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp và kêu gọi doanh nghiệp tham gia trong hoạt động hợp tác trong khu vực.
Hội nghị cấp cao hợp tác tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10. - Ảnh: Đức Anh |
Tại Hội nghị cấp cao CLV 10, trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo nhất trí khởi động quá trình mở rộng hợp tác Khu vực Tam giác phát triển không chỉ giới hạn ở 13 tỉnh mà là giữa 3 nền kinh tế; đồng thời thông qua Kế hoạch tổng thể đầy tham vọng về kết nối 3 nền kinh tế với mục tiêu đưa 3 nước trở thành một cực quan trọng trong tăng trưởng của ASEAN.
Tiếp theo thành công của Hội nghị APEC 2017, 2 sự kiện quốc tế đa phương quan trọng của năm 2018 là Hội nghị thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong và Hội nghị cấp cao 3 nước CPC - Lào - Việt Nam vừa được Việt Nam tổ chức thành công. Điều này không chỉ cho thấy sự chủ động, tích cực của chủ nhà Việt Nam trong việc đóng góp và dẫn dắt, định hướng các mô hình hợp tác của các nước mà còn góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng ở khu vực.