Là diễn đàn uy tín trong khu vực và trên thế giới, diễn đàn năm nay tập trung bàn các nhóm giải pháp để giải quyết các thách thức của Châu Á trong quá trình hội nhập.
Châu Á, châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, quá trình hội nhập toàn cầu cũng đặt ra nhiều thách thức cho khu vực. Vì vậy, chủ đề của Hội nghị năm nay là "Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - bước đi tiếp theo của châu Á".
Châu Á đi đầu trong tiến trình hội nhập
Kể từ cuối những năm 2000, một kỷ nguyên mới cho hợp tác khu vực đã mở ra ở châu Á. Việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng, sự ra đời của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tầm cỡ và sự hiện diện nổi bật của Ấn Độ ở Đông Nam Á đã thúc đẩy sự làn sóng này cũng như có ý nghĩa thay đổi tương lai của khu vực. Sự vươn lên của châu Á là sự vươn lên của tập hợp các quốc gia luôn hướng tới hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ, như Singapore, nền kinh tế mở, năng động bậc nhất thế giới. Hàn Quốc nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới với "kỳ tích sông Hàn”. Hay Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, với nhiều thập niên tăng trưởng ngoạn mục, đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo.
Trong những năm gần đây, nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Các FTA khổng lồ như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã trở nên ngày càng quan trọng. Hiện tại, với trên 150 Hiệp định thương mại tự do, châu Á đang chiếm 58% tổng số hiệp định của Thế giới và châu Á đang đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, gần đây, Trung Quốc bắt đầu thể hiện tầm nhìn khu vực một cách cụ thể khi thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) với sự tham dự của hầu hết các nước châu Á và một số nước phương Tây. Tương tự, sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng phản ánh tầm nhìn của Trung Quốc về hợp tác trong khu vực châu Á. Mặt khác, sự hiện diện của Ấn Độ là một yếu tố đáng chú ý khác ở châu Á trong những năm gần đây. Về mặt chiến lược và kinh tế, lợi ích của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ với các nước Đông Á đã đem đến một khái niệm mới trong khu vực, đó là Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ấn Độ đã bắt đầu tham gia một số khuôn khổ quan trọng ở khu vực Đông Á, trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Riêng đối với các nước ASEAN, kể từ năm 1991, Ấn Độ đã tích cực theo đuổi mối quan hệ thương mại và chiến lược với các nước này và coi đây là một phần trong chính sách “hướng Đông” của mình. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng liên kết chặt chẽ với nhau và việc ra đời Cộng đồng Kinh tế ASEAN được xem là sự thành công của hội nhập liên kết khu vực về thương mại. Hợp tác ASEAN không chỉ là xóa bỏ rào cản giữa các nước trong nhóm mà còn mở rộng sức mạnh của mỗi quốc gia và tầm ảnh hưởng ra bên ngoài. Ngày nay, ASEAN là khu vực xuất khẩu lớn thứ tư thế giới, chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Những thay đổi này sẽ rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tại Đông Nam Á và củng cố liên kết với phần còn lại của thế giới
Nhiều thách thức song hành
Tuy nhiên, tiềm năng và cơ hội luôn song hành tồn tại với nguy cơ, thách thức và bất ổn. Các tranh chấp lãnh thổ cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang đe dọa cản trở bước tiến hội nhập của khu vực. Các mối đe dọa khủng bố, các vụ thử tên lửa trên bán đảo Triều Tiên, những căng thẳng trên Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không của tuyến đường biển quốc tế. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cùng với những thảm họa về bệnh dịch, thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người, quá trình mở cửa, tiếp thu những tinh hoa, giá trị văn hóa của các châu lục khác có thể sẽ làm phai nhạt tính độc đáo và các giá trị bản sắc châu Á.
Trước những thách thức đó, tại Hội nghị Tương lai châu Á tổ chức tại Nhật Bản mới đây, các nhà lãnh đạo Châu Á đều nhất trí cho rằng mỗi quốc gia châu Á phải hành động chung vì một châu Á hòa bình và thịnh vượng. Điều quan trọng đầu tiên là phải duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực mà muốn làm được điều đó mỗi quốc gia phải tập trung giải quyết các khác biệt nội tại khu vực và hành xử có trách nhiệm trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế. Tất cả đều được đối xử trên nguyên tắc tự do, bình đẳng không sự phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, sắc tộc. Tất cả cùng hợp tác, đóng góp vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia, mọi người dân châu Á.