Việt Nam hiện nay đã và đang là quốc gia thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Vấn đề lao động là một trong số các yếu tố làm nên chất lượng cho các bản FTA mới này. Để thực hiện các nội dung về lao động trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài việc sửa đổi Luật lao động, Việt Nam cũng đang có những điều chỉnh của Tổ chức công đoàn cho phù hợp với xu thế thế giới.
Ảnh minh họa: TTXVN
|
Việc tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Trên thế giới, năm 1995, mới chỉ có 3 hiệp định FTA với nội dung cam kết về lao động (7,3%); đến năm 2016, đã có tới 77 trong tổng số 267 FTA được ký kết ở 136 quốc gia có nội dung về lao động (28,8%). Đáng chú ý, tỷ lệ cam kết về lao động mang tính điều kiện để đi đến ký kết FTA ngày càng tăng so với các cam kết khác.
Những thách thức lớn với tổ chức công đoàn
Khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lần đầu tiên vấn đề nhiều tổ chức công đoàn được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Do đó, một thách thức lớn đặt ra là công đoàn Việt Nam phải cạnh tranh, thu hút đoàn viên công đoàn với tổ chức đại diện người lao động được thành lập ở cơ sở. Điều này làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức công đoàn đã được hình thành và khẳng định trong thực tế 90 năm qua.
Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn độc lập không phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị, mà chỉ tập trung chủ yếu vào việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó công đoàn Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ của tổ chức chính trị- xã hội… nên nguồn lực bị phân tán.
Thực tế trên cho thấy nếu tổ chức công đoàn Việt Nam không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, thì sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động gia nhập tổ chức của hệ thống công đoàn Việt Nam.
Yêu cầu phải đổi mới của tổ chức công đoàn Việt Nam
Theo nhiều FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ có 1 khoảng thời gian nhất định, trong trường hợp của CPTPP thì Việt Nam có 5 năm, để thể chế hóa các luật pháp về lao động phù hợp với cam kết cũng như cải cách, hoàn thiện các thiết chế liên quan. Bởi vậy, trong thời gian này, công đoàn các cấp nhanh chóng đổi mới nhận thức và tư duy, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt những vấn đề về quan hệ lao động, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên công đoàn….Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: “Tổ chức công đoàn phải không ngừng hoàn thiện mình, thể hiện rõ nét về sứ mệnh đại diện cho người lao động để mang lại cuộc sống tốt hơn, người lao động có niềm tin hơn về các cấp công đoàn. Cho nên các cấp công đoàn phải xác định rõ hơn nhiệm vụ của từng cấp. Yêu cầu mới với đội ngũ công đoàn là tâm huyết, trách nhiệm, chuyên nghiệp, trí tuệ, bản lĩnh. Đội ngũ phải chuyên nghiệp hơn, được đào tạo căn bản hơn, trang bị kỹ năng trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ công đoàn phải có giải pháp để đem lại lợi ích cho người lao động”.
Cùng với việc Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (14/6/2019), một trong những công ước cơ bản đi kèm FTA thế hệ mới, cũng như sửa đổi Bộ Luật lao động, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi bổ sung Luật công đoàn năm 2012. Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: “Trong lần sửa đổi bổ sung Luật công đoàn 2012, chúng tôi nhấn mạnh vấn đề sửa đổi các hành vi phân biệt đối xử làm sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể hiện nay và tăng cường hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam đã phê chuẩn công ước 98. Trong công ước 98, một trong những yêu cầu là đảm bảo hoạt động độc lập làm cho hoạt động công đoàn, công tác thương lượng thỏa ước lao động tập thể được tốt hơn”.
Theo quy định khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động. Vì vậy, việc bắt buộc phải thực hiện các cam kết về lao động khi tham gia các FTA là xu thế chung.
Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do là thể hiện sự Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc thực hiện những cam kết về lao động, công đoàn tuy là những thách thức không nhỏ song là yếu tố quan trọng để đảm bảo lợi ích kinh tế của Việt Nam khi là thành viên của các hiệp định này.